Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện không chỉ của nông dân

Hoàng Văn| 03/04/2017 06:15

(HNM) - Là một nước nông nghiệp, với khoảng 70% dân số là nông dân, chăn nuôi chiếm tỷ trọng khá cao, đóng góp khoảng 26% trong tổng giá trị ngành Nông nghiệp.

Với quy mô nhỏ, hầu như các hộ gia đình chăn nuôi đều chưa có bất kỳ giải pháp xử lý chất thải nào một cách căn cơ theo đúng nghĩa. Kể cả những trang trại và nông hộ đã xử lý chất thải rắn thông qua công nghệ khí sinh học thì biện pháp cũng vẫn rất thô sơ, tạm bợ. Biện pháp thường áp dụng của người chăn nuôi là ủ làm phân bón hay sử dụng hầm biogas, tuy vậy các hộ chăn nuôi đều không tính toán được công suất của các hầm biogas khi tăng đàn, hoặc vì "tiết kiệm" dẫn đến hầm nhỏ không đủ năng lực xử lý. Vậy là, chất thải từ chăn nuôi được xả ra môi trường theo đường cống, dẫn ra các kênh mương, ngấm xuống đất, bốc lên không khí gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Mức độ ô nhiễm đã ở mức rất đáng quan ngại, nhưng giải quyết bằng cách nào thì vẫn đang là câu chuyện không dễ dàng. Nó dường như đã vượt khỏi "tầm tay" của người chăn nuôi. Hay nói cách khác, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chắc chắn không chỉ riêng người nông dân có thể làm được.

Hiện nay, các quy định về quản lý môi trường chăn nuôi được cho là chưa sát với thực tế. Đây chính là một lý do quan trọng dẫn đến sự thiếu coi trọng quy trình này. Thực tế là hầu như các biện pháp xử lý chất thải ở cả quy mô hộ gia đình hay trang trại đều không đạt tiêu chuẩn. Thêm vào đó là sự thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về công nghệ quản lý, xử lý dẫn đến việc thực hiện và đầu tư tốn kém nên người chăn nuôi không có khả năng tiếp cận hoặc có tiếp cận thì cũng kém hiệu quả. Ngay cả nhận thức về vấn đề này với sự phát triển bền vững của người chăn nuôi cũng là vấn đề cần quan tâm.

Chính vì thế, nếu chỉ là sự khuyến khích, thậm chí là quy định bắt buộc bằng chế tài pháp luật, nhưng thiếu sự quan tâm cải thiện thể chế, nghiên cứu hoàn thiện về công nghệ và có chính sách hỗ trợ các trang trại, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi bền vững, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống xử lý môi trường thì chắc chắn việc chống ô nhiễm sẽ mãi chỉ là chuyện "biết rồi nói mãi".

Tại Hội nghị toàn quốc về môi trường cuối tháng 8-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: "Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế". Chăn nuôi là một lĩnh vực quan trọng của ngành Nông nghiệp, là một cấu thành trong tổng thể nền kinh tế, để có thể phát triển bền vững, yếu tố quan trọng vẫn phải gắn với bảo vệ môi trường. Các cấp quản lý đến người chăn nuôi cần rõ ràng tư duy "Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế" để không phải trả giá đắt khi ô nhiễm môi trường tác động trở lại cuộc sống của chính chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện không chỉ của nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.