Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để là “bà đỡ” nông nghiệp...

Chí Kiên| 10/04/2017 06:14

(HNM) - Bảo hiểm nông nghiệp có thể ví như “bà đỡ” cho sản xuất nông nghiệp, cho nông dân. Bởi lẽ, sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với những rủi ro lớn vì thời tiết, dịch bệnh xảy ra bất thường.

Thế nhưng, từ năm 2011, khi Quyết định 315/2011/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành đến nay, chính sách này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Số hộ nông dân, đơn vị sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp chỉ “như muối bỏ bể”. Bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mấy mặn mà với lĩnh vực này do doanh thu thấp và rủi ro cao. Ngay tại Hà Nội, bảo hiểm nông nghiệp vẫn chỉ dừng ở mức... thí điểm.

Vì sao một chính sách có ý nghĩa, được mong đợi và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội lại chưa được đón nhận trong thực tế?

Điều dễ nhận thấy nhất là những khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh do sự khác biệt giữa quy định trên lý thuyết với thực tiễn sản xuất của nông dân các địa phương. Theo phản ánh, đó là mức phí mua bảo hiểm khá cao trong khi điều kiện của nhiều nông dân còn hạn chế do sản xuất manh mún, đồng thời mức đền bù chưa thực sự hấp dẫn. Đó còn là thủ tục bảo hiểm phức tạp, rườm rà, đặc biệt là quá trình xác minh trước khi bồi thường khiến nông dân cảm thấy nản lòng. Đúng là, chẳng may sự cố xảy ra, đang trong cơn túng quẫn, khó khăn, vất vả, lại phải năm lần, bảy lượt đi lại, giải trình thì “được vạ, má sưng”. Thêm nữa, bản thân người đang tham gia bảo hiểm nông nghiệp đa phần thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trình độ cũng có hạn nên thường không tuân thủ chặt chẽ các thủ tục cần thiết như ghi nhật ký sản xuất, chứng từ đầu tư, giấy kiểm dịch..., khiến chính doanh nghiệp bảo hiểm cũng... nản, đặc biệt là khi cán bộ bảo hiểm còn kiêm nhiệm, thiếu kiến thức, hiểu biết về nông nghiệp, khả năng tư vấn cho nông dân còn hạn chế.
Làm thế nào để một chính sách đúng đi vào cuộc sống hiệu quả?

Câu trả lời rất đơn giản, nhưng không dễ thực hiện ngay. Đó là phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn; nâng cao tính chuyên nghiệp cả trong sản xuất nông nghiệp và trong lĩnh vực bảo hiểm. Đáng mừng là thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017 của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Có thể thấy đây là chỉ đạo đúng đắn, “cởi trói” cho ngành Nông nghiệp nói chung và cho lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp nói riêng. Chắc chắn, những “cánh đồng mẫu lớn”, những trang trại rộng hàng trăm héc ta, sản xuất nông sản theo chuỗi... sẽ là tiền đề, “chìa khóa” mở ra “trang mới” cho sản xuất và bảo hiểm nông nghiệp. Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành gói vốn vay ưu đãi 100 nghìn tỷ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp, ngành, tỉnh, thành phố, ngân hàng, doanh nghiệp sẽ triển khai thực hiện ra sao? Khi có cách làm hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, chắc chắn sẽ thuyết phục được nông dân thay đổi tư duy, thói quen canh tác. Và chắc chắn, họ sẽ cần tới "bà đỡ" nông nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để là “bà đỡ” nông nghiệp...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.