Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để nhờn luật!

Thế Đan| 03/06/2017 06:35

(HNM) - Những năm qua, trên địa bàn Hà Nội không xảy ra vụ tai nạn lớn nhưng không vì thế mà tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa không xuất hiện. Không chỉ tại các bến đò ngang, mà hầu hết các hoạt động giao thông đường thủy nói chung đều rất đáng lo ngại. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, gồm: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy… thì nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn luôn hiện hữu.


“Phạt cho tồn tại” đã trở thành câu chuyện muôn thuở trong hoạt động đường thủy nội địa không chỉ ở địa bàn Hà Nội mà còn diễn ra trên phạm vi cả nước. Điều này lý giải vì sao dù mỗi năm vẫn có hàng nghìn phương tiện bị xử phạt, thậm chí nhiều tàu, thuyền, bến đò… “được” phạt đến vài lần mỗi năm nhưng trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn luôn nhức nhối.

Trên phạm vi cả nước, đáng buồn là hầu hết các vụ tai nạn đường thủy đều xuất phát từ “lỗ hổng” quản lý, từ sự chủ quan, thiếu ý thức chấp hành pháp luật của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và ở ngay cả người tham gia giao thông đường thủy. Mức độ nhẹ là không trang bị áo phao hoặc có nhưng không sử dụng, không đủ số lượng; chở quá tải… so với quy định. Vi phạm nặng hơn là tình trạng “3 không” (phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người lái không có chứng chỉ chuyên môn). Và, dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân, xử phạt nhưng vi phạm vẫn hoàn vi phạm xảy ra ở không ít nơi.

Nguyên nhân dẫn tới việc nhờn luật này xuất phát từ thực tế sâu xa là phần lớn người làm nghề sông nước, nhất là ở các bến đò đã quen với cái “lệ” của đường thủy hễ vi phạm nộp phạt xong rồi... hoạt động tiếp. Thậm chí, nhiều tàu, thuyền, nhà đò bị “biên bản chồng biên bản”, nhưng chủ phương tiện vẫn không e ngại, một phần bởi lợi ích thu được sau khi nộp phạt vẫn nhiều hơn (như chở quá tải) hoặc đỡ tốn kém hơn (như phải nộp thuế, phí khi đi đăng ký hành chính, đăng kiểm).

Thực tế là vậy, nhưng để giải quyết triệt để tình trạng nhờn luật hoàn toàn không dễ. Bởi lực lượng chức năng khi muốn tạm giữ phương tiện để tăng tính răn đe của pháp luật lại lúng túng, vướng mắc chỉ vì không có nơi tạm giữ tàu thuyền, hạ tải. Trường hợp buộc phải tạm giữ phương tiện, có đơn vị đành phải thuê cảng, bến hàng hóa, bến đò hoặc dùng nơi neo đậu phương tiện công tác để tạm giữ phương tiện vi phạm. Chi phí cho công việc này cũng rất tốn kém… Do đó, nếu các địa phương không quy hoạch, tổ chức khu vực giữ phương tiện vi phạm và cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến trông giữ phương tiện vi phạm, tình trạng nhờn luật và “3 không” sẽ còn kéo dài.

Mùa mưa bão lại tới, để hoạt động giao thông đường thủy nội địa thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và các công trình, góp phần hạn chế tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cấp xã, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy cần tăng cường kiểm tra hạ tầng bến, bãi, phương tiện. Đặc biệt, cần kiểm tra các phương tiện chở khách du lịch, kinh doanh nhà hàng nổi, đò ngang, phương tiện khai thác cát trên sông. Nghiêm cấm phương tiện vận tải thủy chở khách xuất bến không có giấy phép, chở quá số người quy định, không trang bị phao cứu sinh. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến hàng hóa, bến khách trên tuyến đường thủy, các bến đò ngang, đò dọc không phép.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy cần phối hợp UBND các cấp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động chủ phương tiện chấp hành quy định về Luật Giao thông đường thủy nội địa, gắn với xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông - Bình yên sông nước” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn. Không để nhờn luật chính là cách chủ động ngăn chặn những vụ tai nạn có thể xảy ra, bảo đảm an toàn giao thông cho mỗi chuyến đò.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để nhờn luật!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.