Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến mục tiêu chất lượng dạy và học

Đình Hiệp| 13/06/2017 06:17

(HNM) - Hiện nay, trong hệ thống giáo dục của nước ta có nhiều loại hình đào tạo như chính quy, tại chức, liên thông, từ xa… Là một quốc gia đang phát triển, sự chênh lệch về giáo dục giữa các vùng - miền là tất yếu, đòi hỏi cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân...

Vậy, đào tạo liên thông là để nâng cao trình độ cho người học hay chỉ chạy theo nhu cầu bằng cấp của xã hội? Khi ý tưởng đưa loại hình đào tạo này vào chương trình giảng dạy, câu hỏi trên được nhiều người quan tâm và gây ra không ít tranh luận. Và rồi năm 2002, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức thí điểm đào tạo liên thông cho 6 trường đại học, cao đẳng. Có thể nói chương trình đã giúp nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có cơ hội bổ sung kiến thức để hoàn thiện chương trình đại học. Mục đích ban đầu của loại hình đào tạo này là nâng cao trình độ cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, chứ không như cách nghĩ của nhiều người như hiện nay là “đường vòng để lấy tấm bằng đại học”.

Tuy nhiên, việc đào tạo liên thông thời gian qua còn nhiều bất cập, tai tiếng… Nhiều cơ sở giáo dục đưa vào các môn học liên thông còn chồng chéo với các môn học ở cấp dưới, dẫn đến tình trạng môn học rồi nhưng vẫn học lại, môn học cần thiết thì không đưa vào chương trình giảng dạy. Không chỉ liên thông đào tạo ngay tại trường, một số trường đại học, cao đẳng còn tổ chức liên thông dạng liên kết với các cơ sở đào tạo khác, nhưng coi chất lượng đào tạo là thứ yếu. Nhiều trường mở đào tạo liên thông chỉ vì mục đích lợi nhuận, sinh viên đi học thì học đối phó. Hậu quả là nhiều sinh viên học xong không xin được việc; nhiều đơn vị tuyển dụng còn “nói không” với bằng liên thông.

Nhìn một cách rộng hơn, việc để các sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng “rầm rộ” thi liên thông lên các bậc cao hơn đã vô tình phá vỡ cấu trúc nguồn lao động trong nước. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả hệ thống đào tạo nghề cũng được “cơi nới” lấn sang khi đẩy mạnh đào tạo liên thông, tạo nên sự hỗn độn không thể kiểm soát, mà hậu quả cuối cùng là người có bằng cấp thì nhiều nhưng người có trình độ chuyên môn lại khan hiếm. Và một thực tế không vui đã xuất hiện: Hàng nghìn thạc sĩ, cử nhân phải giấu bằng cấp đã có để "liên thông ngược" - tìm đến các trường trung cấp nghề, mong học lấy một nghề mới có cơ hội tìm được việc làm nuôi sống bản thân!

Để khắc phục những bất cập trên, Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31-5-2017 quy định về liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học với nhiều quy định chặt chẽ hơn, nhằm siết chặt chất lượng đào tạo liên thông giữa các trình độ.

Luật Giáo dục đại học ban hành ngày 18-6-2012 khẳng định, giáo dục đại học chỉ có hai hệ là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Do đó, loại hình đào tạo liên thông phải tuân thủ theo quy định hoặc của hệ chính quy, hoặc của hệ thường xuyên, chứ không có quy định riêng. Vì thế, việc siết chặt đào tạo liên thông theo quyết định mới là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và bảo vệ quyền lợi của người học. Quyết định trên được nhiều người hy vọng sẽ không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về chất lượng đào tạo liên thông thời gian qua, mà còn góp phần thực hiện được mục tiêu quan trọng hơn là giải quyết được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến mục tiêu chất lượng dạy và học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.