Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khen đúng việc, thưởng đúng người

Tuấn Kiệt| 15/07/2017 06:39

(HNM) - Một trong những mục tiêu xuyên suốt của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng là phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn 13 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng cho thấy, phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, các phong trào thi đua đã hướng vào việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, là động lực cho quần chúng, nhân dân tích cực trong phong trào thi đua.

Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận là phong trào thi đua ở nhiều nơi còn hình thức, chưa xác định rõ mục tiêu, tiêu chí cụ thể, chưa thực sự gắn với lợi ích của người lao động. Đáng chú ý là việc phát động, triển khai các phong trào thi đua, công tác khen thưởng còn tập trung vào những tập thể lớn khu vực nhà nước, người có chức vụ, chưa chú trọng khen thưởng đối với các tập thể nhỏ, doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là người lao động trực tiếp sản xuất.

Trong công tác khen thưởng, một trong những nguyên tắc quan trọng là “đúng người, đúng việc”, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Mặc dù Luật Thi đua, khen thưởng đã xác định chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu (công nhân, nông dân, chiến sĩ) và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác. Thế nhưng trên thực tế, như nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (tháng 2-2017) thì công tác khen thưởng nhiều lúc vẫn còn hình thức và “khen lãnh đạo nhiều quá”, chưa chọn được những tấm gương thực sự tiêu biểu, lay động lòng người. Hiếm khi công nhân, nông dân, chiến sĩ và nhân viên trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp “chạm” được vào các hình thức khen thưởng như huân chương hay bằng khen của Thủ tướng. Trong các đơn vị, việc khen thưởng chủ yếu thuộc về lãnh đạo cấp phòng, ban trở lên. Tỷ lệ chưa đầy 2% tổng số cá nhân được đề nghị khen thưởng là người lao động thật đáng suy ngẫm.

Thực tiễn đang đòi hỏi có sự thay đổi, trước hết là từ nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đây cũng là yêu cầu Thủ tướng đặt ra: Làm sao chấm dứt hình thức, đi vào thực chất. Việc thi đua, khen thưởng phải gắn với nâng cao đạo đức, thái độ trách nhiệm thực thi công vụ bởi “nhân dân đang mong chờ việc này rất lớn”. Người đứng đầu đơn vị phải thực hiện đúng quy định pháp luật về công tác thi đua - khen thưởng và có tâm trong sáng, công minh; không vun vén, “gom” khen thưởng cho cá nhân để thăng tiến, và cũng không lấy khen thưởng là “món quà” dành cho quan hệ riêng tư hoặc thờ ơ, hời hợt dẫn đến khen thưởng sai như trường hợp với đối tượng Trịnh Xuân Thanh mới đây.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Để phong trào thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực cho sự phát triển, việc triển khai cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, không hô hào suông mà phải gắn với thực tiễn cuộc sống. Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động đến đời sống người dân làm thước đo khen thưởng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khen đúng việc, thưởng đúng người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.