Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc làm thường xuyên, liên tục

Chí Kiên| 09/08/2017 06:45

(HNM) - “Đến hẹn lại lên”! Mỗi khi mùa mưa bão đến cũng là lúc các ngành chức năng đánh giá lại năng lực của hệ thống thủy lợi, trong đó có các công trình tiêu thoát nước với những nỗi lo thường trực và bất cập mà nhiều năm chưa được giải quyết.


Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư hệ thống công trình tiêu thoát nước ở ngoại thành, nhưng năng lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Dễ thấy nhất là nếu mưa trong 3 ngày với lượng dưới 150mm thì hệ thống tiêu úng bảo đảm vận hành thông suốt, còn trên mức này thì quá tải và diện tích bị ngập lên đến hàng chục nghìn héc ta. Điều đáng lo là ngay trong mùa mưa bão này, những trận mưa vượt ngưỡng đã xảy ra và gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp. Đây vừa là cảnh báo, vừa là hậu quả của biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Thực trạng này ai cũng thấy rõ. Nhưng điều khiến chúng ta phải suy nghĩ từ năm này qua năm khác, vẫn những nguyên nhân “quen thuộc”được chỉ ra như năng lực hệ thống tiêu vừa yếu vừa thiếu; công trình thủy lợi bị xâm phạm... Nghịch lý là hệ thống công trình thủy lợi đã “già cỗi” nhưng lại đang phải “gồng gánh” hàng nghìn vụ vi phạm, xâm lấn nghiêm trọng. Đây là vấn đề nhức nhối và trong nhiều năm chưa được giải quyết triệt để chính bởi sự thiếu kiên quyết của các cấp, các ngành liên quan. Đó là chưa kể các trục tiêu và lòng sông theo năm tháng bị bồi lắng cũng gây hạn chế lớn đến khả năng tiêu thoát nước.

Vấn đề nữa cần nói thêm là những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ở nông thôn diễn ra khá mạnh, nhất là những nơi cận kề khu vực nội thành cũng làm công trình thủy lợi bị biến dạng như kênh mương tiêu úng bị chia cắt; trạm bơm bị cô lập; cống bị hư hỏng…

Rõ ràng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có cái nhìn thẳng thắn, nghiêm túc hơn để khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, vì thiên tai rất khốc liệt, không chừa một ai và có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Vì thế, việc trước mắt và thường xuyên cần làm là các cấp, các ngành liên quan, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc xử lý dứt điểm vi phạm là tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân với quan điểm nhất quán: Bảo vệ công trình thủy lợi là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta. Trong công tác quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi, giữa chính quyền địa phương và cơ quan quản lý thủy lợi phải nhận thức rõ vị trí, vai trò, phối hợp tốt, tránh đùn đẩy trách nhiệm, đặc biệt khi có tình huống thiên tai hoặc vi phạm xảy ra.

Về lâu dài, việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi vẫn là giải pháp tối ưu để giải quyết tận gốc vấn đề năng lực tiêu thoát nước hiện nay ở Hà Nội. Về việc này, song song với đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đang triển khai, các cấp, các ngành cần tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện trạng để có hướng đầu tư trạm bơm, cứng hóa, khai thông trục tiêu thoát nước chính ở khu vực trọng yếu, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời bảo đảm thứ tự ưu tiên với các dự án khác, tránh lãng phí và sử dụng hiệu quả khi hoàn thành.

Giải pháp thoát nước theo quy luật tự nhiên cũng cần được tính đến với những đánh giá cụ thể về địa hình, ao hồ điều hòa trên các lưu vực để có kết nối hợp lý với kênh, sông và trạm bơm tiêu úng.

Ứng xử với thiên tai và khắc chế thiên tai là việc phải làm thường xuyên, liên tục với ý thức và trách nhiệm cao nhất nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do nó gây ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc làm thường xuyên, liên tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.