Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm và kỳ vọng

Tuấn Kiệt| 16/08/2017 07:04

(HNM) - Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là việc làm rất khó vì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của những đối tượng hưởng lương và liên quan đến rất nhiều vấn đề, từ thể chế bộ máy đến các chính sách xã hội...


Chúng ta đã trải qua hơn 20 năm thực hiện cải cách hành chính với mục tiêu từng bước hoàn thiện thể chế, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan; xây dựng đội ngũ công chức cơ bản hội đủ các yêu cầu về chức danh; hình thành một cơ cấu Chính phủ gọn nhẹ... Như vậy, về nguyên tắc thì bộ máy hành chính sẽ được cải cách theo hướng gọn gàng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng sự cồng kềnh, chồng chéo trong bộ máy hành chính vẫn khá nặng nề, các yêu cầu cải cách tổ chức chưa đạt được như mong muốn.

Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” được xem như một “luồng gió mới”. Và như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, Nghị quyết 39-NQ/TƯ chính là động lực để thành phố quyết tâm hơn trong việc kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy hiệu quả.

Thực tế cho thấy, Hà Nội đã đạt được thành công bước đầu khá ấn tượng, là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện. Tuy là công việc rất khó nhưng đáng mừng là Hà Nội đã không nhận được bất cứ một đơn thư nào liên quan đến sắp xếp, kiện toàn bộ máy và tinh giản biên chế.

Điểm khó nhất trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức là phải bảo đảm thông suốt về nhận thức. Quá trình sắp xếp bảo đảm đúng quy định, “trúng người, đúng chỗ”, không gây xáo trộn về tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức; giữ được hoạt động bình thường của bộ máy cũng như hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, thu gọn đầu mối trên tinh thần một người một việc từ thành phố đến cơ sở.

Đất nước cần một cơ chế điều hành năng động và chúng ta đã phải tiến hành công cuộc cải cách hành chính trong hàng chục năm qua. Song, để cơ chế điều hành ấy hoạt động hiệu quả lại cần có bộ máy hiệu quả; phải xác định rõ ràng và hoàn thiện bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Nhưng, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không phải là một phong trào triển khai trong “một chốc, một thì” mà nó là một quá trình không có điểm dừng, với đòi hỏi thực tế ngày một cao hơn. Đó không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng người mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, khắc phục được bất cập trong quản lý cán bộ là “có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống”. Việc chuyển nhân sự từ vị trí việc làm này sang vị trí việc làm khác phải bảo đảm sự phù hợp và trên hết là phải đạt hiệu quả công việc.

Tinh giản cũng không có nghĩa là chỉ quan tâm đến việc lược bớt mà còn cần bổ sung vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm. Như vậy mới gọi là “tinh”.

Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ, Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Thành phố đã và sẽ kiên quyết đưa vào diện tinh giản những cán bộ, công chức nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân kém; giảm bớt khâu trung gian; khắc phục tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu; tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách…

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng dù thế nào cũng cần phải thực hiện với kết quả tốt nhất. Người dân đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào cuộc “đại phẫu” biên chế này. Vì thế, đòi hỏi phải có quyết tâm, đồng thuận chính trị cao độ, quá trình thực hiện khoa học, dân chủ và minh bạch trong sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ, viên chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm và kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.