Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay giải tỏa nỗi lo

Chí Kiên| 04/09/2017 06:54

(HNM) - Một năm học mới bắt đầu. Bên cạnh niềm vui của con trẻ là được đến trường sau kỳ nghỉ hè thì đây lại là nỗi lo của không ít bậc phụ huynh và những người làm quản lý trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Học ở đâu, học trường nào, đủ trường, đủ lớp hay chưa… vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.

Những năm học vừa qua, TP Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Từ nội thành ra ngoại thành, lên các xã miền núi xa xôi ở Ba Vì, Mỹ Đức... thêm những ngôi trường xây dựng mới khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy, học ở từng địa phương. Đây là niềm vui vô bờ của mỗi người dân, mỗi học sinh và cả giáo viên.

Nhưng chừng đó vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Trên thực tế, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục chưa theo kịp tốc độ gia tăng số lượng học sinh, và nỗi lo thiếu trường, thiếu lớp vẫn hiển hiện mỗi dịp bước vào năm học mới.

Sức ép này đến từ việc gia tăng dân số, nhất là ở những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh với những khu đô thị có số dân tăng vọt. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư triển khai xây dựng khu đô thị lại ít quan tâm đến việc mở mang trường học. Bản thân chính quyền địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo cũng rơi vào tình trạng bị động trước sự phát triển này. Từ đó mới có tình trạng ở trường công lập, nhất là bậc học mầm non, tiểu học, mỗi lớp “gánh” đến trên 60 học sinh là chuyện bình thường. Nhiều nơi còn “chữa cháy” bằng sáng kiến học luân phiên cả thứ bảy, tận dụng phòng học tạm, học theo ca. Phụ huynh, học sinh, giáo viên đều không muốn vậy, nhưng không còn cách nào khác…

Để không còn nỗi lo thiếu trường, thiếu lớp, lớp học xuống cấp, bảo đảm chất lượng dạy và học cho giáo viên, học sinh không có cách nào khác là cần sự chung tay của toàn xã hội.

Vai trò, trách nhiệm trước tiên và quan trọng nhất thuộc về chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan. Ngoài việc tiếp tục đẩy nhanh và hoàn thành xây dựng trường, lớp học đã được phê duyệt, những đơn vị này cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường tính dự báo, đánh giá tình hình, từ đó tham mưu với thành phố kịp thời, đúng, trúng về nhu cầu trường, lớp ở bậc học nào là cần nhất để có hướng quy hoạch, xây dựng mới, đặc biệt quan tâm những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo nên tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng trường học bằng nhiều hình thức, nhất là các trường học ở khu vực miền núi, vùng xa trung tâm. Đối với các trường ngoài công lập đang có xu hướng “nở rộ” ở các khu đô thị, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đến chất lượng dạy và học, vấn đề thu học phí… để bảo đảm mặt bằng chung nhất, từ đó nhiều học sinh có đủ điều kiện tham gia học tập, giảm bớt gánh nặng cho trường công lập.

Đối với nhu cầu đầu tư trường, lớp ở bậc học mầm non đang được coi là cấp bách nhất, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 19-6-2017 của UBND TP Hà Nội về phát triển giáo dục mầm non TP Hà Nội đến năm 2020 với mục tiêu bao trùm là xây dựng, phát triển hệ thống, mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Sự nghiệp “trồng người” là một quá trình lâu dài, bền bỉ và toàn diện. Bởi thế, sự tham gia, chung tay của toàn xã hội để giải tỏa những nỗi lo cho ngành Giáo dục là cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay giải tỏa nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.