Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cho được mối liên kết bền vững

Đan Nhiễm| 28/09/2017 07:01

(HNM) - Đó là mối liên kết giữa nhà quản lý, nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng và siêu thị trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản. Các “mắt xích” này hiện đã có, nhưng mối liên kết còn lỏng lẻo khiến người nông dân vẫn phải canh cánh với bao nỗi lo, trong khi giá trị kinh tế gặt hái được lại chưa tương xứng.

Trước hết, về phía các cơ quan quản lý, trực tiếp là ngành Nông nghiệp phải đứng ra làm đầu mối gắn kết các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản. Không ai khác, chỉ Nhà nước mới có đủ khả năng đứng ra làm trung gian giữa doanh nghiệp sản xuất - nông dân - kênh phân phối - người tiêu dùng. Thực tế, các cơ chế, chính sách cho việc này đều đã có, nhưng lại chưa có đột phá trong thực hiện. Ví như với vấn đề mở rộng hạn điền, tăng quy mô tích tụ đất vào những người sản xuất kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Nhà nước phải sớm tổng kết, luật hóa mô hình thí điểm khuyến khích, hoặc bảo lãnh để người dân mạnh dạn góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất ruộng dài hạn với doanh nghiệp, hợp tác xã. Làm sao xóa bỏ được tâm lý bất an của người nông dân hiện nay là nếu giao ruộng cho tổ chức, cá nhân khác đồng nghĩa với việc “mất đất”.

Để xây dựng được những vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thu hút doanh nghiệp đầu tư, ngành Nông nghiệp, Công Thương cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong khâu tìm hiểu và điều phối thị trường để sản xuất nông sản không rơi vào cảnh “thi nhau trồng rồi thi nhau phá bỏ” vốn khá phổ biến thời gian qua. Cùng với đó là xem xét hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với nông sản; hình thành quỹ phòng chống rủi ro, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Về phía doanh nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải tạo được lòng tin bền vững với nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm. Đó là giữ giá thu mua ổn định, hỗ trợ giống, kỹ thuật mới và tạo cơ hội cho người dân “sống được, sống khỏe” trên “bờ xôi, ruộng mật” của họ. Hệ thống các ngân hàng thương mại với vai trò “bà đỡ” cho sản xuất tạo cơ chế cho vay, thế chấp tài sản thông thoáng hơn đối với các chủ thể tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cần chú ý tới vấn đề nguồn vốn dài hạn, lãi suất ưu đãi.

Với nông dân, là chủ thể chính trong chuỗi liên kết, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, làm sao để đáp ứng nhu cầu thị trường chứ không phải cố hữu với tập quán sản xuất lạc hậu, làm những gì mình có mà không phải là thứ thị trường cần. Khi nhu cầu xã hội ngày càng cao thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua áp dụng những tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong canh tác là điều bắt buộc, nếu không muốn tự đánh mất cạnh tranh. Càng không thể chấp nhận kiểu sản xuất trồng hai ruộng rau "một để ăn, một để bán".

Tất nhiên, một “mắt xích” không kém phần quan trọng chính là các siêu thị, chợ đầu mối phải chứng nhận, giám sát và bảo lãnh chất lượng sản phẩm cho nông dân với người tiêu dùng, tạo điều kiện để nông sản có mặt trên kệ phân phối.

Có thể nói, để tạo mối liên kết bền vững thì các khâu phải tìm được tiếng nói chung. Bắt đầu từ việc nông dân có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra, rồi các khâu tiếp theo nâng chất đối tác trong chuỗi giá trị. Chỉ khi hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ sản xuất đến phân phối mới tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại, có đầu ra ổn định. Và chỉ khi có chính sách tốt, doanh nghiệp nhiệt tình, nông dân tích cực, chuỗi giá trị mới mạnh được...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cho được mối liên kết bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.