Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì lợi ích của cộng đồng

Minh Thúy| 03/10/2017 06:51

(HNM) - Niên hạn sử dụng xe taxi theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã gây nhiều tranh cãi, bởi quy định “xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt”.


Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng xe taxi được sản xuất từ năm 2010 (không kể đầu hay cuối năm) chỉ được cấp phù hiệu hoạt động đến hết ngày 31-12-2017. Đến nay, khi thời điểm này sắp đến hạn, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, UBND TP Hà Nội xem xét, gia hạn niên hạn 12 tháng cho xe taxi…

Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã triển khai gần 3 năm (có hiệu lực 1-12-2014), hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang soạn thảo dự thảo nghị định thay thế nghị định này. Theo đó, Điều 16 quy định “Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm”. Quan trọng hơn, xe taxi giữa các tỉnh, thành phố được quy định đồng nhất về niên hạn, không phân biệt giữa đô thị đặc biệt với địa phương khác. Do đó, nhiều lái xe taxi hy vọng, đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội là có căn cứ.

Với quy định hiện hành, không ít ý kiến nhìn nhận, việc phân tách niên hạn xe taxi hoạt động ở đô thị đặc biệt và các địa phương khác có thời gian chênh nhau đã không bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp. Mặt khác, quy định còn khiến nhiều tỉnh, thành phố trở thành "bãi chứa" xe taxi hết niên hạn ở Hà Nội quay vòng… Vì vậy, nhiều người cho rằng, không nên "áp" niên hạn, hãy để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp muốn giữ khách phải tự thay xe mới; rằng, hàng nghìn xe taxi hết niên hạn không được hoạt động, kéo theo hàng nghìn người mất việc làm… Những ý kiến đó phản ánh đúng thực tiễn và cần biện pháp hóa giải. Song, phải giải quyết trên cơ sở “bịt” những lỗ hổng đang phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, không giải quyết trên cơ sở quản khó thì… nới điều kiện kinh doanh.

Vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, trong quản lý phải có những ràng buộc nhất định để bảo đảm chất lượng dịch vụ và phát triển đúng quy hoạch, theo định hướng. Trong đó, niên hạn sử dụng xe là một giải pháp hữu ích để góp phần điều chỉnh vấn đề này. Do đó, việc gia hạn niên hạn cho xe taxi đang hoạt động hiện nay và quy định như dự thảo nghị định mới, cho tất cả xe taxi hoạt động có niên hạn 12 năm là điều cần cân nhắc, thận trọng và phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Một điều chắc chắn rằng, xe taxi hoạt động ở các đô thị lớn có tần suất cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Nếu không quy định niên hạn, chất lượng xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ, độ an toàn cho các chủ thể tham gia giao thông và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, với Hà Nội, vấn đề này càng phải xem xét kỹ khi nguồn khí thải từ các phương tiện đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường.

Thêm nữa, quy định về niên hạn xe taxi có hiệu lực đã gần 3 năm nay, do đó, không thể nói các doanh nghiệp chưa chuẩn bị kế hoạch cho sự thay đổi này. Với những xe chưa đủ niên hạn 8 năm, cần xem xét để bảo đảm công bằng, tránh thiệt thòi; với những xe đã vận hành đủ năm, nên hạn chế gia hạn.

Vì lợi ích chung của cộng đồng, quy định về niên hạn cho xe taxi là cần thiết. Nhằm tăng tính thuyết phục, Bộ Giao thông - Vận tải cần phân tích rõ vì sao không quy định “tuổi thọ” phương tiện theo số kilômét vận hành? Vì sao không căn cứ vào kết quả kiểm định, mà căn cứ vào số năm xe taxi hoạt động? Khi những luận cứ khoa học giải thích rõ ràng, có cơ sở pháp lý, quy định niên hạn cho xe taxi sẽ không còn là vấn đề gây tranh cãi như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì lợi ích của cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.