Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thà ít mà tinh...

Dục Tú| 15/10/2017 06:49

(HNM) - Trong thời gian qua, việc xét tặng các danh hiệu văn hóa như gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng, thôn, ấp, bản văn hóa... đã được thực hiện trong phạm vi cả nước.

Thứ nhất, việc xét tặng các danh hiệu văn hóa nói trên mang ý nghĩa quan trọng bởi đó là một trong số yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa - phần việc không thể thiếu khi triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cũng như mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng con người văn minh, thanh lịch mà các địa phương đang hướng tới.

Thứ hai, căn cứ vào tỷ lệ gia đình, cơ quan, tổ dân phố, làng... được công nhận danh hiệu văn hóa đang ở mức rất cao, liên hệ với biểu hiện cụ thể thông qua hành vi liên quan lối sống, nếp sống, trách nhiệm công vụ, trách nhiệm công dân của không ít thành viên trong xã hội vốn đã phô bày những "khoảng tối", cần nghĩ tới việc đánh giá nghiêm túc về công tác xét tặng danh hiệu văn hóa hiện nay.

Chắc chắn chúng ta chưa làm thật tốt phần việc nói trên, vì nhiều nguyên nhân, mà trước tiên là việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục công nhận danh hiệu. Chẳng hạn, về tiêu chuẩn gia đình văn hóa thì từng tỉnh, thành phố có sự bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện riêng nhưng về cơ bản, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đó phải là gia đình mà các thành viên đều "gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả".

"Phiên" ba tiêu chuẩn chính ra, sẽ thấy hàng chục tiêu chuẩn cụ thể liên quan tới gần như mọi mặt hoạt động của các thành viên trong từng gia đình. Để công nhận gia đình nào đó đạt các tiêu chuẩn này, các khu dân cư phải tổ chức họp để bình xét, và bộ phận có trách nhiệm căn cứ vào đó quyết định đề nghị cấp thẩm quyền công nhận hay không... Tiêu chuẩn cao, quy trình đã có nhưng trong thực tế, không phải khu dân cư nào cũng tổ chức họp vì việc này, và, nếu có họp thì chất lượng cũng hạn chế bởi tâm lý nể nang của người tham dự.

Chất lượng xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa không bảo đảm yêu cầu thì ảnh hưởng không tốt tới chất lượng bình xét nhiều danh hiệu khác, bởi, như việc công nhận danh hiệu tổ dân phố văn hóa vốn có điều khoản về tỷ lệ gia đình văn hóa cần có...

Phân tích nói trên tất yếu dẫn đến đề xuất nâng cao chất lượng công tác xét công nhận danh hiệu văn hóa. Để phần việc này đạt hiệu quả, điều đầu tiên là cố gắng tạo cho được sự chuyển biến thực sự về nhận thức của các bộ phận liên quan nhằm chấm dứt cách bình xét qua loa, hình thức. Cần loại bỏ những yếu tố có thể làm phát sinh "bệnh thành tích", chẳng hạn như thói quen "áp" chỉ tiêu không dựa trên điều kiện, hoàn cảnh thực tế; tâm lý chạy theo số lượng thay vì chất lượng nhằm bảo đảm yêu cầu thi đua... Với những gương điển hình - đáp ứng mọi tiêu chuẩn đã được đề ra, vốn rất khó thực hiện - thì cần có hình thức tuyên dương, khen thưởng đặc biệt nhằm khuyến khích phong trào chung, tạo tâm lý coi trọng danh hiệu và hiệu ứng phấn đấu thực sự thay vì "có cũng được, không có cũng chẳng sao".

Cuối cùng, để nâng cao chất lượng bình xét danh hiệu văn hóa, xây dựng mô hình văn hóa, có lẽ cần phải trở lại với phương châm "thà ít mà tinh...".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thà ít mà tinh...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.