Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực và hướng đi đúng

Hà An| 25/10/2017 07:00

(HNM) - Nghèo đói chắc chắn đã, đang là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, nhiều địa phương, nhiều vùng miền, nhiều quốc gia trên thế giới.


Thoát nghèo không phải chỉ là câu chuyện riêng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà nó còn thực sự phản chiếu những vấn đề về kinh tế, xã hội của mỗi địa phương và của cả đất nước.

Nhưng thoát nghèo bằng cách nào để bền vững? Điểm sáng Hà Nội vừa qua về công tác giảm nghèo có phải chỉ nằm ở những thành tựu về con số? Hay phía sau đó là lời giải có tính đúc kết từ thực tiễn, và ngược lại, như một sự kiểm chứng qua thực tiễn, rằng để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững không thể không cần đến hai yếu tố rõ ràng là động lực, hướng đi.

Động lực để bứt khỏi tư duy cũ, thoát khỏi sức ì, nỗi ám ảnh khốn khó của cái nghèo; hướng đi là lời giải cụ thể cho bài toán kinh tế với từng hoàn cảnh, từng điều kiện cụ thể.

Đáng mừng là đến nay TP Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ước còn hơn 1,7%, vượt so với chỉ tiêu đề ra năm 2017. Có được điều này là nhờ các xã, phường, thị trấn nắm rõ được nguyên nhân, thực trạng và nhu cầu của các hộ gia đình để có hình thức hỗ trợ phù hợp với từng địa chỉ cụ thể, khai thác thế mạnh của địa phương. Tức là tránh được những hô hào, giải pháp chung chung. Ví như miền núi huyện Ba Vì hình thành vùng sản xuất chè búp khô; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Các xã miền núi có đồng bào dân tộc Mường ở huyện Thạch Thất thì được tạo điều kiện phát triển mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng... Tương tự như vậy có gia đình được hỗ trợ nhà ở để an cư, gia đình khác được tặng bò, vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

Đặc biệt, địa phương hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, thì doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, tạo ra cả động lực và chỉ rõ hướng đi cho người dân thoát nghèo.

Tuy nhiên, nghèo đói là vấn đề không chỉ mang yếu tố kinh tế mà còn nặng yếu tố xã hội. Đặc biệt, thoát nghèo rồi tái nghèo đôi khi chỉ là một bước ngắn. Vì vậy, các giải pháp giảm nghèo phải bảo đảm yếu tố bền vững.

Giúp người cũng là giúp ta, phải làm rõ được lợi ích lâu dài của việc kéo giảm tỷ lệ nghèo đói, từ đó huy động trách nhiệm và sự tham gia của chính người dân, doanh nghiệp trên địa bàn vào hoạt động này. Đặc biệt, địa phương là nơi nắm bắt rõ nhất tình trạng hộ nghèo trên địa bàn, hiểu rõ hạn chế, lợi thế của người dân, của xã, phường, quận, huyện của mình sẽ phải là người chủ động đề xuất phương án, giải pháp giúp các hộ nghèo vươn lên. Đặc biệt, giảm nghèo cần cái nhìn cụ thể, nhưng cũng không thể thiếu tính bao quát. Trong đó, việc tranh thủ các chương trình, mục tiêu phát triển của quốc gia, của thành phố như chương trình xây dựng nông thôn mới…, để tạo nguồn lực, tạo đà cho người dân làm kinh tế, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu chính là một ví dụ.

Nói ngắn gọn, giảm nghèo không chỉ là cuộc vật vã nhọc nhằn riêng của từng hộ, từng quận, huyện, thị xã hay xã, phường, nó phải được hòa vào khí thế chung của tinh thần vươn lên và đổi mới của thành phố, các địa phương khác và cả nước.

Chính vì vậy, các giải pháp cũng cần thêm cả sự hài hòa cả trước mắt và lâu dài, kết hợp nhiều bước đi như hỗ trợ nhà ở, phương tiện sản xuất; đào tạo nghề, cho vay vốn; kết nối doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch; phát triển du lịch bền vững, tạo việc làm cho người dân. Có động lực, có hướng đi, chính bản thân người nghèo, bản thân địa phương còn nhiều hộ nghèo sẽ từng bước vươn lên, thoát nghèo bền vững, thậm chí làm giàu cho gia đình và xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực và hướng đi đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.