Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện đúng để phát triển bền vững

Chí Kiên| 04/12/2017 06:24

(HNM) - Ngành hàng rau, quả được đánh giá là lĩnh vực có sự tăng trưởng bứt phá nhất trong hàng hóa xuất khẩu nông sản của cả nước trong 11 tháng qua (tăng 43,2% so với cùng kỳ).


Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến sâu và sự nỗ lực của nông dân trong áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn như VietGAP, GlobalGAP…, nên chất lượng rau, quả của Việt Nam thời gian qua luôn được đánh giá cao trên thị trường. Từ đó, sản lượng, giá trị xuất khẩu rau, quả của Việt Nam liên tục tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là các loại trái cây như vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn... đã chinh phục những thị trường "khó tính", tiềm năng lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Từ chỗ kim ngạch xuất khẩu chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD (năm 2005 là 235 triệu USD), đến nay, giá trị xuất khẩu rau, quả (11 tháng qua đạt 3,16 tỷ USD), vượt qua cả những nông sản xuất khẩu chủ lực, truyền thống của Việt Nam (như gạo 2,48 tỷ USD, cao su 2,01 tỷ USD…).

Kết quả đáng mừng trên cho thấy, sản phẩm rau, quả của Việt Nam đang đi từng bước vững chắc trong hành trình xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam" trên thị trường thế giới. Đồng thời, trong bối cảnh nhiều nông sản chủ lực truyền thống liên tiếp gặp khó khăn, thị trường thu hẹp, bước tiến ngoạn mục của rau, quả đã góp công không nhỏ cho mục tiêu phát triển chung của ngành Nông nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu rau, quả vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế mà vấn đề đặt ra là phải có một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, bắt đầu từ việc thay đổi quy trình sản xuất, khâu dự báo thị trường, đến quy hoạch sản xuất…

Cụ thể, mặt hàng rau, quả cần đáp ứng đầy đủ điều kiện về chất lượng, quy cách đóng gói, chỉ dẫn địa lý, kiểm soát và tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, xây dựng thương hiệu... để tiếp tục "chinh phục", mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những nơi đòi hỏi khắt khe nhưng có nhu cầu lớn như Mỹ, EU. Tránh tình trạng phải phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, vì khi xảy ra sự cố về thương mại sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân. Việc bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm cũng tránh được rủi ro "hàng bị trả về" - một bài học nhãn tiền mà không ít doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả sang một số nước EU từng gặp phải.

Cùng với đó, cần khẩn trương khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ (đang rất phổ biến); tình trạng "được mùa mất giá", sản phẩm ứ đọng không tiêu thụ được, phải tổ chức các cuộc "giải cứu" thời gian qua như với dưa hấu, chuối... Muốn vậy, vấn đề nền tảng và quan trọng là ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực rau, quả nói riêng cần thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất, đồng thời phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực dự báo thị trường xuất khẩu.

Tiếp đến là phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở doanh nghiệp làm nòng cốt cùng với hợp tác xã, nông dân, tập trung yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn giống, tổ chức sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Phải khắc phục cho được điểm yếu ở khâu chế biến nông sản, trong đó có rau quả, hiện phần lớn vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị thấp, vận chuyển khó khăn, tốn kém; công nghệ chế biến lạc hậu, chưa theo kịp thị trường…

Nhận diện được khó khăn, thuận lợi sẽ là cơ sở quan trọng để ngành hàng rau, quả phát triển bền vững, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực và hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020 như dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện đúng để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.