Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động thích ứng, đón bắt thời cơ

Hà An| 13/12/2017 06:29

(HNM) - Phác thảo bức tranh nông nghiệp Hà Nội trong năm 2017 sắp qua, có thể gói trong mấy nét chính là “thiên tai, thiệt hại lớn”, “khôi phục sản xuất”, “duy trì tăng trưởng”…


Kết quả có được trong sản xuất nông nghiệp năm nay là nhờ những nỗ lực vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai trên cơ sở những chính sách xuyên suốt về nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Chính phủ, sự chỉ đạo kịp thời về nhiều mặt của thành phố...

Nhìn lại cả chặng dài thì phát triển nông nghiệp đi liền ứng phó thiên tai không phải là vấn đề mới. Lịch sử nền nông nghiệp nước nhà vốn gắn với khả năng “trông trời, trông đất, trông mây…”, luôn phải chủ động ứng phó với mọi bất thường của thời tiết. Từ đặc thù này, cộng với những dự báo về biến đổi khí hậu, bối cảnh của nền công nghiệp 4.0, một lần nữa phải khẳng định yếu tố chủ động thích ứng và khả năng đón đầu để nông nghiệp Hà Nội cũng như cả nước phát triển hiệu quả là yêu cầu tất yếu.

Thực tế, những rủi ro, thiệt hại, thua lỗ mà nền nông nghiệp của chúng ta phải gánh chịu có một phần không nhỏ là do đánh mất thế chủ động, nhất là trong hoạt động tổ chức sản xuất. Biểu hiện rõ nhất là “phá vỡ quy hoạch”, “tăng đàn ồ ạt”, “giải cứu đầu ra”… Nông nghiệp Hà Nội không phải không có những hạn chế trên. Và để phát huy cao nhất những lợi thế có được, giảm tối đa những yếu tố bất lợi, không cách nào khác hơn là phải tăng tính chủ động thích ứng, đón đầu trong mọi hoạt động của nông nghiệp Thủ đô.

Trước hết, cần tiếp tục bám sát Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” và Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 6-10-2016 của UBND thành phố thực hiện chương trình này. Tinh thần của các văn bản này nêu rõ: Không chỉ triển khai kịp thời các chính sách mà còn phải nghiên cứu đề xuất chính sách mới, báo cáo để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những chính sách không còn phù hợp. Nghĩa là, tính chủ động tham mưu của ngành, chính quyền địa phương… phải cao, nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, tạo đòn bẩy toàn diện cho phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, rõ rệt nhất là việc gỡ khó về tích tụ đất đai, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao…

Bên cạnh đó, việc chủ động rà soát lại quy hoạch, cơ cấu các ngành hàng phù hợp với nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu cũng phải được xem như một nội dung quan trọng của quản lý nông nghiệp hiện đại ở Thủ đô. Vấn đề này đã được ngành Nông nghiệp Hà Nội khẳng định qua các dự án sẽ được hoàn thiện trong năm 2018…

Không chỉ tập trung thu hút những doanh nghiệp lớn, bản thân người nông dân cũng là những người rất giàu ý tưởng, khát vọng vươn lên. Và không ai khác, thì ngành, địa phương cần tích cực đón đầu, tạo điều kiện tối đa cho nông dân làm giàu. Câu chuyện về một nông dân với mô hình sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ học từ nước ngoài, được chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc hoàn tất thủ tục, kiến thiết hạ tầng, kết nối với các hộ nông dân khác… để đưa mô hình vào đời sống thành công là ví dụ giàu tính thuyết phục.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu, là một nội dung quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô và cả nước. Để một chương trình lớn như vậy có thể thành công thì tinh thần chủ động ứng phó với mọi diễn biến bất thường của khí hậu, thị trường; tăng khả năng đón bắt thời cơ... lại càng phải được xem là phương châm xuyên suốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động thích ứng, đón bắt thời cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.