Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lập lại trật tự cho BOT

Minh Thúy| 15/12/2017 06:16

(HNM) - Không thể phủ nhận, các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) những năm qua đã tạo diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông nước ta. Những con đường huyết mạch kết nối các vùng, miền đã góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.


Hiện nay, BOT không chỉ là câu chuyện tài xế trả phí bằng tiền mệnh giá nhỏ hay lớn, mà còn tiềm ẩn nhiều phức tạp cho xã hội. Cốt lõi của vấn đề này được Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm nghẽn, từ việc ban hành chính sách đến thực tế triển khai, như: Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập; phương án tài chính chưa hợp lý... Đặc biệt, việc đặt trạm thu phí và khoảng cách vị trí giữa các trạm chưa hợp lý; khung giá dịch vụ rộng, dễ dẫn đến tiêu cực.

Ngoài ra, quá trình tham vấn vị trí đặt trạm thu phí chưa lấy ý kiến người dân gần trạm, người thường xuyên sử dụng tuyến đường... Nhiều trường hợp phí tăng nhưng chất lượng công trình nhanh chóng xuống cấp, người dân phải trả tiền cho chất lượng dịch vụ không tương xứng. Qua phân tích thực trạng các dự án BOT tại phiên họp thứ 13 ngày 15-8-2017, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, hình thức này còn một số điểm bất cập, chủ yếu do yếu tố chủ quan.

Thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư dự án BOT năng lực hạn chế; minh bạch tài chính yếu... Chưa kể, có dự án “tráng men” đường cũ nhưng thu phí theo kiểu làm đường mới, dự án chưa hoàn thành đã thu phí cả tuyến, đường làm một đằng nhưng thu phí một nẻo… Thực trạng này đã phá vỡ niềm tin của người dân và sinh ra phản ứng dây chuyền như đã thấy thời gian qua.

Để các dự án BOT đi đúng quỹ đạo, tạo đà cho sự phát triển của hạ tầng giao thông, rộng hơn là sự phát triển của đất nước, điều cần làm là phải lập lại trật tự cho BOT.

Nền tảng của sự minh bạch trong các dự án BOT phụ thuộc quy định của pháp luật. Sự rối rắm tại các trạm BOT vừa qua có một phần bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa đồng bộ nên việc hoàn thiện pháp luật là yêu cầu tất yếu. Trong khi chờ việc này, cơ quan chức năng cần điều chỉnh ngay những quy định bất hợp lý; nâng cao trách nhiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện dự án trong mọi giai đoạn, để sau khi hết thời hạn thu phí, công trình bàn giao lại cho Nhà nước bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải chặn đứng sự “thổi phồng” mức đầu tư, bởi đây là cái cớ chủ đầu tư nâng mức và kéo dài thời gian thu phí. Nói cách khác, phải có cơ chế minh bạch hóa vấn đề tài chính, kiểm toán độc lập, ngăn chặn sự tận thu, làm lợi bất hợp lý của chủ đầu tư. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai công nghệ thu phí không dừng để giám sát chặt chẽ doanh thu tại trạm BOT…

Điều cần làm ngay là kiên quyết trả các trạm BOT về đúng vị trí vì việc giảm phí - nhưng kéo dài thời gian thu - chỉ là liệu pháp giảm căng thẳng tức thì, bản chất mức thu không đổi. Tiếp nữa, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm, giám sát chặt mức thu tại tất cả trạm thu phí trên toàn quốc là điều người dân đang mong đợi.

Chỉ khi các dự án minh bạch, tuân thủ đúng luật mới nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập lại trật tự cho BOT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.