Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì mục tiêu phục vụ tốt hơn

Chí Kiên| 30/01/2018 07:05

(HNM) - Hà Nội đang tiến tới triển khai tự chủ hoàn toàn về tài chính tại các bệnh viện công lập, trừ những cơ sở y tế có tính chất đặc thù.


Trước hết phải khẳng định, tự chủ tài chính đã mang lại nhiều cơ hội cho các bệnh viện và lợi ích thiết thực cho bệnh nhân. Thực tế triển khai chủ trương này tại 5 bệnh viện ở Hà Nội thời gian qua cho thấy, chất lượng khám chữa bệnh đã có sự thay đổi rõ rệt, trong khi người bệnh được hưởng lợi từ những dịch vụ “chất lượng ngoại, giá nội”. Hơn thế, các bệnh viện bước đầu chủ động cân đối thu - chi, hay nói cách khác là có thể “tự bơi”…

Nhưng, quá trình triển khai chủ trương này cũng không hề dễ dàng!

Từ hàng chục năm qua, các bệnh viện công lập đã quá quen với “bầu sữa” ngân sách rót xuống và đội ngũ y, bác sĩ được chuyên tâm làm công tác chuyên môn là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, khi tự chủ tài chính, chính những con người này lại phải đứng ra tự tính toán “lỗ, lãi”, rồi lo lắng về thu nhập cho cán bộ, công nhân viên… Đây là một áp lực rất lớn cho lãnh đạo các bệnh viện và "cỗ máy" của mình.

Chưa kể, ở những bệnh viện có cơ sở vật chất, nhân lực thiếu thốn, nhất là tuyến huyện, thì khó khăn gấp nhiều lần. Bởi, khi bệnh viện không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh thì không thu hút được bệnh nhân, dẫn đến khó khăn trong thu hút bác sĩ giỏi, đầu tư trang thiết bị… Cái “vòng luẩn quẩn” này rất dễ xảy ra cho các bệnh viện nếu tự chủ tài chính không mang lại hiệu quả. Vì thế, dễ hiểu tại sao, một số cơ sở y tế công lập xem tự chủ tài chính là việc làm quá sức...

Thực hiện tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc bệnh viện hoạt động như một doanh nghiệp. Vì vậy, nhận diện rõ thực trạng để làm tốt hơn, hiệu quả hơn là cần thiết, qua đó hướng đến mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Điều cốt yếu đầu tiên là phải thay đổi trong suy nghĩ, hành động từ lãnh đạo bệnh viện đến nhân viên y tế, cần coi người bệnh là "thượng đế" - tức phải đổi mới toàn diện. Trong cơ chế thị trường, nếu bệnh viện phục vụ không tốt, đội ngũ y, bác sĩ không chu đáo, đương nhiên người dân sẽ lựa chọn một nơi khác để khám chữa bệnh tốt hơn. Chưa kể, hiện người có thẻ bảo hiểm y tế có thể lựa chọn bất cứ bệnh viện nào trong cùng tuyến huyện và lộ trình từ năm 2021 sẽ liên thông tuyến tỉnh.

Vì vậy, muốn tồn tại khi tự chủ tài chính, bệnh viện phải phát triển bền vững trong thế “kiềng ba chân”: Phát triển chuyên môn kỹ thuật (để bệnh nhân không phải chuyển tuyến) - Nâng cao chất lượng dịch vụ và khám chữa bệnh (tạo sự cạnh tranh để giữ chân người bệnh và cán bộ giỏi) - Tuân thủ và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, theo các quy định của ngành Y tế (không phải tự chủ thì bệnh viện muốn làm gì thì làm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh).

Về phía các cơ quan chức năng, như ngành: Y tế, Tài chính, Nội vụ, Bảo hiểm,… cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp hoặc đặc thù, nhất là về tổ chức bộ máy và nhân sự, công tác quản lý tài chính, thống nhất khung giá dịch vụ y tế, quyết toán bảo hiểm, đấu thầu vật tư tiêu hao, thu hút nguồn vốn xã hội hóa… Qua đó để tránh tuyệt đối việc tự chủ nửa vời, tạo niềm tin vững chắc cho các bệnh viện; đồng thời bảo đảm mục tiêu tối thượng là người dân được khám chữa bệnh trong điều kiện tốt nhất, với chất lượng tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì mục tiêu phục vụ tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.