Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự cẩn trọng không thừa

Đỗ Quỳnh Chi| 04/02/2018 06:57

(HNM) - Đến hẹn lại lên, quãng thời gian giáp Tết là thời điểm thị trường lao động thời vụ sôi động hơn bao giờ hết. Thông tin tuyển dụng việc làm có ở khắp mọi nơi, trên mạng internet, trên cây, trên các bản tin, cột điện... Đây là cơ hội vàng để người lao động, đặc biệt là lao động bán thời gian, vụ việc để tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Nhưng nếu không cẩn thận, người có nhu cầu tìm việc dễ mắc bẫy lừa đảo của các “trung tâm tuyển dụng” việc làm “ma” đang nở rộ trên mạng xã hội.

Nắm bắt tâm lý chung của các bạn trẻ là muốn nhanh chóng tìm được việc, nhà tuyển dụng “ma” thường đưa ra các chiêu dụ nghe rất hấp dẫn, như: Nộp phí sớm sẽ giảm chiết khấu, giới thiệu người khác sẽ được cộng thêm tiền, đi theo nhóm sẽ được giảm phí… Ngoài ra, mức lương hấp dẫn, thời gian làm việc linh động cũng luôn là cái “bẫy” ngọt ngào khiến cho nhiều người đi tìm việc mắc phải.

Thực ra, đây vẫn là những chiêu trò cũ, được các phương tiện truyền thông cảnh báo thường xuyên nhưng năm nào chuyện cũng cứ như mới. Vì thế, việc nhận diện các thủ đoạn của những đối tượng muốn làm ăn bất chính trên nhu cầu có thật của xã hội vẫn là việc không thừa.

Trước hết, chiêu trò của một số trung tâm môi giới việc làm “ma” là luôn đưa ra danh mục công việc với khung thời gian làm không quá dài, không quá vất vả, ngược lại lương lại hấp dẫn, có thể lên đến 500 nghìn đồng - 700 nghìn đồng/ngày. Thông thường, các cơ sở này bán hồ sơ từ 50 nghìn đến 200 nghìn đồng/bộ tùy công việc, kèm đặt cọc tiền, giữ giấy tờ tùy thân… để làm tin. Sau đó, viện lý do như việc trên quảng cáo đã hết, trung tâm giới thiệu việc khác, hoặc đưa ra những bài kiểm tra, người tìm việc không đáp ứng được nên mất tất cả số tiền đã đóng.

Tiếp đến là người có nhu cầu tìm việc cần chú ý đến thái độ người tuyển dụng, nơi tuyển dụng. Nếu không có gì khuất tất, đa phần doanh nghiệp, cửa hàng sẽ mời ứng viên về trụ sở và gặp người có thẩm quyền quyết định. Đối với những nơi lừa đảo, các đối tượng sẽ luôn có thái độ dè chừng và nếu ứng viên không được người khác giới thiệu, chúng sẽ tìm cách từ chối không tuyển dụng. Do đó, khi nộp bất cứ khoản tiền nào phải yêu cầu bên thu đưa phiếu thu có đóng dấu để có căn cứ giải quyết tranh chấp phát sinh. Và dù công việc diễn ra trong thời gian ngắn nhưng khi giao kết với chủ sử dụng lao động phải lập thành văn bản với các quy định chặt chẽ, đặc biệt là số tiền công, thời gian thanh toán…

Theo các chuyên gia, những thông tin tuyển dụng chỉ chung chung một nội dung là tuyển nhân viên cho bộ phận nào, không yêu cầu trình độ, hoặc công việc nhàn hạ, mức lương cao thì đó chỉ là “mồi câu”. Mục đích của việc này là để cho tất cả người tìm việc đều thấy mình phù hợp và nộp hồ sơ. Với những trường hợp này cũng cần tránh xa, nếu không muốn “xôi hỏng, bỏng không”. Ngoài ra, dù là có nhu cầu tìm việc ngắn hạn, rất nhiều trường hợp người tìm việc bị cơ sở giới thiệu đi phỏng vấn sai địa chỉ, hoặc sai với các thỏa thuận về điều kiện tuyển dụng, điều kiện làm việc, thu nhập... Do đó, rất cần phải kiểm tra lại tính xác thực của công việc. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Một điểm cũng cần lưu ý là theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, kể từ ngày 1-1-2018, người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc có ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, người lao động cũng cần nắm rõ quy định của pháp luật để tránh những thiệt thòi có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự cẩn trọng không thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.