Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân

Hà An| 23/02/2018 07:02

(HNM) - Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cách nay gần 60 năm thực sự là một cái Tết độc đáo, không chỉ gắn với truyền thống dân tộc mà còn đậm tâm thế thời đại, không chỉ phù hợp với đất nước mà còn với thế giới, không chỉ là của hôm qua, với hôm nay, mà còn cho mai sau.


Tết trồng cây với tất cả ý nghĩa sâu sắc và tầm nhìn xa như vậy là một hoạt động khởi đầu từ xuân năm mới, song “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Đặc biệt, như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì: “Mùa Xuân là Tết trồng cây”, chính là để “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

“Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” cũng là tinh thần trọn vẹn mà Tết trồng cây hướng tới!

Quả vậy, Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2018 đã diễn ra trên khắp cả nước, trong không khí rộn ràng, mang tinh thần làm cho đất nước, Thủ đô ngày càng tràn ngập khí xuân, sắc xuân trong mọi mặt của đời sống. Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 của TP Hà Nội cũng là một minh chứng của việc Tết trồng cây được tiếp nối, thực hiện với những hiệu ứng tích cực…

Tuy nhiên, hôm nay khi đứng trước những thử thách to lớn của biến đổi khí hậu; đứng trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại, Tết trồng cây rất cần tiếp tục được nhìn nhận, thực hiện với tinh thần trọn vẹn, ngày càng được lan tỏa sâu rộng hơn.

Việc trồng cây, giữ màu xanh cho môi trường phải bắt đầu từ việc chăm sóc, giữ gìn môi trường cảnh quan ngay trong chính đường làng, ngõ xóm, ngôi nhà, mảnh sân, góc vườn của mỗi gia đình, mỗi khu dân cư. Rộng hơn, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các ngành chức năng và toàn thể người dân nhằm xanh hóa môi trường sống, trồng rừng, bảo vệ “lá phổi xanh” cho Thủ đô, đất nước, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai, ô nhiễm không khí tới đời sống…

Tinh thần Tết trồng cây cũng cần được thể hiện trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, phát triển kinh tế dưới tán rừng… Bên cạnh đó, còn là trong cách giải bài toán phát triển và bảo tồn. Những công trình mới mọc, những con đường mới mở phục vụ dân sinh sẽ có lúc đứng trước vấn đề buộc phải di dời cây xanh. Khi đó phải làm sao hạn chế thấp nhất chặt hạ, mà di chuyển cây về vườn ươm, chăm sóc, duy trì, tái sử dụng ở những không gian phù hợp… như cách Hà Nội đã làm. Đó chính là để màu xanh được tiếp nối trong sự hài hòa phát triển.

Tuy nhiên, việc trồng cây, dù là cây ăn quả, cây bóng mát đô thị, cây trồng rừng… thì cũng đều cần theo quy hoạch; không phải trồng chỉ để có mà là tạo sự tương tác với con người, với môi trường sống, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa... Hay nói cách khác, cây trồng phải phù hợp, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, được chăm sóc lâu dài, an toàn... Tức là, tránh hình thức, “trồng cây nào phải tốt cây ấy” như Bác Hồ đã nói.

Việc trồng cây, xây dựng môi trường sống trong lành, hài hòa với thiên nhiên… chắc chắn cũng không phải là việc có thể làm vội vàng. Ngược lại, đây là công việc cần được thực hiện bền bỉ, hiệu quả để mang tới những thay đổi bền vững trong ứng xử với cây xanh nói riêng, với thiên nhiên, môi trường sống nói chung…

Khi trẻ em được học tập vui chơi dưới tán cây, khi người dân được sinh sống, lao động trong môi trường trong lành, sạch đẹp, các ngành kinh tế phát triển bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường…, ấy là khi tinh thần của Tết trồng cây thấm sâu vào đời sống, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.