Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa thanh toán hiện đại

Minh Thúy| 22/03/2018 06:42

(HNM) - Trên thế giới, thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai từ lâu, nhưng ở nước ta vẫn khá xa lạ với nhiều người, đặc biệt ở khu vực nông thôn.


Không phải ai cũng thấy rõ những tiện ích từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với nền kinh tế và từng người dân. Khi phương thức này được khuyến khích và trở thành cách thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều ưu thế để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Đặc biệt, nó sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, giúp dòng tiền lưu thông rõ ràng, vận hành đúng nguyên tắc thị trường; đồng thời sẽ ngăn chặn dòng tiền “bẩn”, kiểm soát được những giao dịch bất hợp pháp…

Với sự phát triển của công nghệ thông tin cùng sự vận động không ngừng của nền kinh tế, nhiều phương thức thanh toán hiện đại đã xuất hiện. Số người mở tài khoản ngày càng nhiều, thị trường thẻ tín dụng ngày càng lớn, các phương thức thanh toán hiện đại ngày càng tăng… Bước đầu, một bộ phận người dân đã nhận thấy rõ sự an toàn, tiện lợi khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt...

Trước xu thế này, Chính phủ đã ban hành đề án thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Với vai trò là đô thị lớn của cả nước, Hà Nội càng phải "phủ sóng" với mức sâu, rộng hơn phương thức thanh toán hiện đại này. Trong đó, tại Kế hoạch 51/KH-UBND ngày 23-2-2018, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018-2020 xác định: Đến cuối năm 2020, tất cả siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm… có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; 60% cá nhân, hộ gia đình thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm…

Như vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đã chứng minh, đây là chủ trương hoàn toàn đúng và cần sớm được triển khai.

Để phương thức thanh toán này được người dân ủng hộ, vấn đề cần làm là thay đổi thói quen đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức mỗi người khi nhìn nhận tiền mặt là một công cụ trong thanh toán. Việc tuyên truyền phải chú trọng đến vùng nông thôn để tạo nhận thức đồng bộ trong dân chúng. Khi tuyên truyền phải giúp người dân hiểu rõ tiện ích, giúp họ nhận rõ ưu, nhược điểm. Khi đã hiểu, người dân sẽ cảm thấy an toàn, thuận tiện và tất yếu có nhu cầu sử dụng. Có như vậy, thanh toán không dùng tiền mặt mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân, mới xóa được thói quen chi tiêu bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong thanh toán không dùng tiền mặt cũng là yếu tố quan trọng. Những nội dung cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống văn bản liên quan đến hoạt động thanh toán nói chung, mà cần tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Một điều không thể không nhắc đến, đó là hiện đại hóa công nghệ và các hệ thống thanh toán. Điều này sẽ giúp hệ thống thanh toán được tổ chức tốt hơn, ít rủi ro hơn. Cùng với đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng gian lận trong thanh toán thẻ ATM, khi có sự cố xảy ra, bên cung cấp dịch vụ phải chủ động giải quyết, bảo vệ quyền lợi của khách hàng...

Nền kinh tế phát triển luôn đi kèm với hệ thống thanh toán hiện đại, an toàn. Chỉ khi nào cả người dân, các đơn vị kinh doanh, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các ngân hàng cùng có lợi thì mới thay đổi được tư duy “rút tiền mặt từ ATM để thanh toán tiền hàng” và từng bước xây dựng văn hóa thanh toán không dùng tiền mặt. Khi đó, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thực sự phát triển đúng nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa thanh toán hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.