Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để trục lợi

Thế Nguyên| 02/04/2018 06:47

(HNM) - Theo Điểm 7, Điều 3, Luật Nhà ở thì nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng như: Người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo và cận nghèo khu vực nông thôn; hộ thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo khu vực đô thị...


Dù vậy, quá trình thực hiện chủ trương hết sức đúng đắn này, bên cạnh kết quả tích cực chủ đạo, cũng phát sinh không ít vấn đề. Câu chuyện nhiều người đăng ký mua nhà Dự án Bright City (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) đang trong cảnh đứng ngồi không yên do “nguy cơ không có nhà, mất tiền” hay hiện tượng mua đi, bán lại nhà ở xã hội như nhà ở thương mại trên địa bàn Hà Nội nói riêng, nhiều địa phương khác nói chung là những dẫn chứng. Nhìn rộng hơn, một chủ trương bảo đảm an sinh xã hội đã và đang bị trục lợi với rất nhiều "chiêu thức" từ cả phía chủ đầu tư lẫn người đăng ký mua.

Trong bối cảnh chung là việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở còn chậm so với kế hoạch, kết quả huy động nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực nhà nước để chăm lo, giải quyết vấn đề nhà ở xã hội… còn hạn chế, những hiện tượng trên cho thấy: Để quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội "thông đồng, bén giọt" và sản phẩm nhà ở xã hội được đưa đến đúng đối tượng, có rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

Trước hết, ở góc độ tạo sản phẩm đầu ra, bổ sung cho nguồn cung: Trường hợp cụ thể ở Dự án Bright City đặt ra yêu cầu, năng lực của chủ đầu tư - mà nguồn vốn đóng vai trò quan trọng - phải được thẩm định, xem xét một cách kỹ lưỡng. Bất luận dự án này vì lý do gì mà lâm vào tình cảnh như trên thì đây cũng là cảnh báo đối với cơ quan quản lý, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Bởi lẽ, theo luật thì 100% người có nhu cầu mua nhà ở xã hội có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc cũng không dư giả. Nguy cơ “hoàn tiền (hoặc mất tiền), không nhà” khiến họ thêm lao đao hoặc tiếp tục phải chờ đợi tổ ấm trong mơ của mình thêm nhiều thời gian.

Do đó, vấn đề huy động vốn thực hiện các chương trình, dự án nhà ở xã hội cần được tổ chức một cách dài hơi, bảo đảm khả thi trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước, vốn của chủ đầu tư… Yếu tố đặc biệt quan trọng là phải có giải pháp thẩm duyệt, chứng minh chủ đầu tư - dù là cá nhân hay tổ chức - bảo đảm năng lực thực hiện dự án. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, ở góc độ đối tượng thụ hưởng: Việc xét duyệt hồ sơ đăng ký mua là không hề dễ dàng với cơ quan quản lý, trong điều kiện thanh toán tiền mặt vẫn phổ biến và việc chứng minh tài chính qua ngân hàng còn nhiều vấn đề. Thế mới có chuyện người đi ô tô đến đăng ký mua nhà ở xã hội và việc rao bán công khai, tràn lan nhà ở xã hội chỉ là hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, không khó để kiểm tra từ khi nhận bàn giao nhà, bao lâu có người đến ở, người ở là ai (?). Tức là không khó để hậu kiểm hồ sơ mua nhà ở xã hội có xuất phát từ nhu cầu thực hay không, đối tượng thực tế bảo đảm tiêu chí hay không (?). Trách nhiệm đó cũng thuộc về cơ quan quản lý lĩnh vực này.

Sau cùng, khi có "chuyện" xảy ra, trách nhiệm người có liên quan phải được truy cứu đến cùng. Bởi trục lợi chính sách nhà ở xã hội cũng là một dạng tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để trục lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.