Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắng nghe và tạo sự đồng thuận

Duy Biên| 05/04/2018 05:54

(HNM) - Là một trong những công cụ đắc lực, mang tính tiên phong trong việc tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được công bố hằng năm cho thấy những điểm mạnh, yếu của các địa phương, mức độ chuyển biến theo thời gian.


Các chỉ số PAPI được công bố cũng chính là cơ sở giúp mỗi địa phương có những hoạch định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao mức độ hiệu quả của chính sách. Suy cho cùng, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp mới là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền các cấp.

Trở lại kết quả PAPI năm 2016 của Hà Nội có thể thấy, ngoài chỉ số “thủ tục hành chính công” có bước tiến tốt thì còn nhiều tiêu chí đạt điểm thấp như “công khai, minh bạch”, “trách nhiệm giải trình”, “kiểm soát tham nhũng”… Vậy nhưng, nhờ triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, TP Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương có chuyển biến mạnh trong năm 2017, với 5/6 chỉ số lĩnh vực nội dung PAPI tăng điểm, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố có mức độ tăng điểm tổng hợp cao nhất so với năm 2016.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số PAPI, thành phố đã ban hành Đề án “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính TP Hà Nội hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả”, trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2020 mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính đạt hơn 80%.

Trên thực tế, không chỉ chính quyền, người dân mà hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài cũng ngày càng quan tâm tới thứ hạng của chỉ số PAPI các địa phương để đưa ra quyết định đầu tư. Bởi vậy, các địa phương muốn thu hút đầu tư phải thật sự quan tâm, có giải pháp quyết liệt cải thiện hiệu quả, hiệu lực quản lý và tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan, ban, ngành trong khu vực công.

Để thực hiện được điều đó, các địa phương cần tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết. Đồng thời, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa hành chính, cũng như tăng cường sự tham gia của người dân, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

Kinh nghiệm ở những địa phương nằm trong nhóm có kết quả PAPI cao như Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, An Giang... là chính quyền công khai, minh bạch, tăng cường quan tâm hơn việc giải trình, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp; chính quyền cùng đồng hành giải quyết những khó khăn với tinh thần cảm thông, sẻ chia.

Chính sự công khai, minh bạch đã tạo cho người quản lý và người thụ hưởng kiểm soát lẫn nhau; nâng cao nhận thức của tổ chức, công dân về quyền và nghĩa vụ của mình, về các quy trình, quy định trong giải quyết công việc... Từ đó, giữa cán bộ, công chức, viên chức với các tổ chức, công dân có sự phối hợp tốt trong giải quyết công việc.

Biết lắng nghe và tạo được sự đồng thuận trong người dân thì làm việc gì cũng "xuôi chèo mát mái".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe và tạo sự đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.