Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mobifone có cửa quyền?

Người Xây Dựng| 27/09/2014 07:24

(HNM) - Đầu tháng 7-2014, anh Nguyễn Tuấn D, chủ thuê bao số điện thoại trả sau 090321xxxx không thể thực hiện cuộc gọi đi. Liên hệ đến tổng đài 9090, anh tá hỏa khi biết số máy của mình phát sinh cước tháng 6-2014 lên đến 944.000 đồng (bình thường anh chỉ dùng trên dưới 100.000 đồng/tháng).


Thắc mắc của anh được cô điện thọai viên giải thích: "Có thể anh dùng phần mềm tải chương trình tự động nên phát sinh cước lớn như vậy. Mobifone khóa chiều đi để khách hàng không bị phát sinh thêm cước nữa".

- Nhưng sao không báo sớm khi có dấu hiệu phát sinh cước đột biến và khi khóa chiều gọi đi cũng phải cho tôi biết trước chứ?

Cô nhân viên im lặng, anh D bực tức gác máy...

Sau khi bình tĩnh lại, anh D chủ động liên hệ đến tổng đài, chấp nhận thanh toán cước để mở lại kết nối.
- Anh phải ra điểm thu cước nộp tiền, sau đó Mobifone mới mở kết nối.

- Tôi đăng ký thuê bao trả sau, thu cước tại nhà, sao lại yêu cầu tôi phải đi nộp?

Câu chuyện không ngã ngũ. Một hôm, anh D nhận được cuộc điện thoại xưng là nhân viên Mobifone, hỏi anh "có còn dùng số điện thoại 090321xxxx không". Anh D cho biết, khi chưa giải quyết xong vụ việc thì vẫn tạm dừng sử dụng dịch vụ.

Ngày 17-9, anh D nhận được một giấy báo nợ của Chi nhánh TTDĐ Hà Nội 5 với số tiền hơn 1,1 triệu đồng; tức là, ngoài số tiền 944 nghìn đồng trước đó, những tháng sau vẫn phát sinh cước thuê bao 44.000 đồng... Và bức xúc hơn cả là, cuối giấy báo nợ ghi "nếu quá thời hạn thanh toán, chúng tôi chuyển hồ sơ của quý khách sang cơ quan pháp luật giải quyết".

Trong cuộc sống hằng ngày khó tránh khỏi những vướng mắc cần giải quyết... Nhưng việc chỉ ngồi một chỗ điện thoại đòi nợ mà không thèm đếm xỉa tới nguyện vọng của khách hàng, cùng với cái cách thông báo của Mobifone phải chăng là cửa quyền và đe dọa khách hàng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mobifone có cửa quyền?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.