Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất bình đẳng!

Người Xây Dựng| 28/11/2014 06:09

(HNM) - Chiều thứ sáu 21-11, đón con ở Trường Tiểu học Đồng Nhân (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) đi học về, chị Th thấy con lễ mễ mang cặp sách và một túi gì đó...


- Mẹ ơi, cả lớp đều được chụp ảnh, in lên khung gỗ mang về nhé.

- Chụp ảnh từ hôm nào, nhân dịp gì, sao mẹ không thấy thông báo gì, cô có dặn dò các con không?

- Cô dặn mang ảnh về, không thích thì trả lại…

Vừa về đến nhà, cũng là lúc chị Th nhận được điện thoại báo tin nhắn với nội dung: "Giáo viên phát ảnh cho con, phụ huynh đồng ý lấy ảnh thì nộp 250.000 đồng. Nếu không thì sáng 24-11 trả lại cho giáo viên".

Chưa hết thắc mắc về việc các con chụp ảnh mà phụ huynh không được biết, chị Th lại bất ngờ về nội dung tin nhắn của nhà trường. Đây không còn là thông báo, trao đổi mà gần như là áp đặt cho phụ huynh khi việc đã rồi.

Ảnh đã chụp ra, in phóng đàng hoàng, đưa vào tay con trẻ rồi, nhìn chúng háo hức, hồ hởi khoe với bạn bè, gia đình, ai nỡ trả lại. Còn nếu lấy ảnh thì phụ huynh có cảm giác như miễn cưỡng trả tiền cho một sản phẩm mà họ chưa đồng ý thực hiện.

Đâu đó đã có ý kiến nói rằng, các trường học đang là mảnh đất màu mỡ để các công ty kinh doanh dịch vụ khai thác. Nhưng cho dù là sản phẩm dịch vụ gì, thì trước khi thực hiện hợp đồng "giao kết" nhà trường cũng không thể không xin ý kiến phụ huynh học sinh. Bởi phụ huynh mới chính là người bảo hộ hợp pháp của học sinh, chỉ có họ mới có quyền quyết định có sử dụng dịch vụ hay không. Đấy mới là cách giao tiếp bình đẳng và tôn trọng trong các mối quan hệ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất bình đẳng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.