Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vai trò chính quyền sở tại ở đâu?

Đức Hải| 31/03/2013 23:25

(HNMO)- Báo Hànộimới đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của sông Nhuệ. Tuy nhiên, tình trạng này không những không được cải thiện, mà ngược lại...

Ai sinh sống bên sông Nhuệ vẫn còn nhớ, khoảng hai chục năm về trước, con sông Nhuệ vốn trong xanh, đầy thơ mộng… Nhưng cùng với thời gian, nó đã và đang “chết dần, chết mòn” vì bị lấn chiếm dòng chảy bởi nhà cửa, lều quán xây dựng trái phép, vì ô nhiễm do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và vài năm gần đây, cộng thêm vào đó là một khối lượng lớn rác thải sinh hoạt của người dân sinh sống dọc hai bờ xả ra ven sông một cách bừa bãi.

Nhà nhà đổ rác ra sông

Trục chính sông Nhuệ có chiều dài 74 km (từ cống Liên Mạc (Từ Liêm, Hà Nội) đến ngã ba Phủ Lý (Hà Nam). Vài ba năm trở lại đây, ở khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều đoạn sông Nhuệ xuất hiện từng đống rác thải sinh hoạt cao như đồi, như núi. Các “núi” rác này ngày càng lớn dần cùng với thời gian, góp phần làm thu hẹp dòng chảy và tăng thêm nồng độ ô nhiễm của con sông. Về mùa cạn như thời điểm này, thật xót xa khi chứng kiến dòng sông thì đặc quánh, đen ngòm lờ đờ chảy, trong khi dọc 2 bờ sông là những đống rác như muốn nuốt chửng dòng sông...

Rác thải được người dân vô tư đổ ra ven sông Nhuệ thuộc địa bàn thôn Cự Đà, xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội)


Càng về phía hạ du thuộc địa bàn Hà Nội, nạn xả rác thải sinh hoạt bừa bãi xuống sông Nhuệ càng gia tăng, nhất là các xã ven sông thuộc các huyện: Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín… Điển hình là trên địa bàn xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Cả một quãng sông dài 3 cây số dày đặc những bãi rác, phấp phới các loại túi ni lông đủ màu, mùi xú uế từ nước sông và từ bãi rác bốc lên nồng nặc. Hằng ngày, tại khu vực chợ Cự Đà (Cự Khê), sau khi tan phiên chợ, người ta lại thản nhiên quét dọn rác thải rồi vô tư đổ xuống ven sông. Trên thực tế, thuận tiện nơi nào, hay nói đúng hơn là nơi bờ sông còn trống, không có nhà cửa, lều quán là người ta thi nhau đổ rác. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi trước cửa đình Cự Đà, cửa chùa Cự Đà, cửa chùa Khúc Thủy (chỉ cách một con đường), phía ven sông ngập tràn rác thải.

Còn bên tả sông Nhuệ, nhất là đoạn thuộc thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) tình trạng người dân xả rác ra ven sông cũng tràn lan không kém... Thông thường, những bãi rác thải bên bờ hữu sông Nhuệ chỉ có đi bên bờ tả mới thấy rõ và ngược lại nên người ta cứ vô tư mà đổ.

“Sống chết mặc bay”?

Trao đổi với phóng viên Hànộimới Online, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương thừa nhận, tình trạng xả rác thải ra sông Nhuệ trên địa bàn xã đã diễn ra từ vài năm nay, chính quyền xã cũng biết thực trạng này. Ông Phương cho biết, trên địa bàn xã có 3 làng, gồm Cự Đà, Khúc Thủy và Khê Tang (chia thành 4 cụm dân cư), thì đến nay mới chỉ có làng Khê Tang là đã thành lập được tổ thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày và chở về nơi tập kết để Công ty môi trường Thăng Long vận chuyển về bãi xử lý rác thải tập trung của thành phố. Hai làng còn lại đều chưa thành lập được tổ thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày, nên mạnh nhà nào nhà nấy đổ ra ven sông Nhuệ.

Tại thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê không chỉ xảy ra tình trạng xả rác thải bừa bãi ra sông Nhuệ mà còn diễn ra tình trạng xây dựng trái phép vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi


Ông Phương cho biết thêm, chính quyền xã đã giao cho chính quyền hai thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ở hai làng cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là không nên xả rác thải ra ven sông Nhuệ nhưng chẳng thấy chuyển biến gì. Trước thực trạng trên, huyện Thanh Oai đã đầu tư nhiều xe thu gom rác thải cho làng Cự Đà và Khúc Thủy nhưng vì chưa thành lập được tổ thu gom rác nên xe vẫn “đắp chiếu”. Theo ông Phương, cùng lắm đến cuối năm nay, sẽ thành lập được tổ thu gom rác thải tại Cự Đà và Khúc Thủy, từ đó sẽ hạn chế được việc đổ rác thải ra sông Nhuệ như hiện nay. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao thời gian qua không xây dựng những hố tập kết rác thải tạm thời để tránh tình trạng đổ rác thải bừa bãi ra sông, ông Phương cho biết, vì đất ở 2 làng đã dành hết cho xây dựng các khu đô thị nên không còn đất để xây dựng hố tập kết rác thải tạm thời (?)

Còn đối với việc đổ rác thải trên địa bàn thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã có 4 thôn thì cả 4 thôn từ nhiều năm nay đã thành lập được tổ thu gom rác thải và tập kết về điểm quy định để xe ô tô của Xí nghiệp môi trường Thanh Trì vận chuyển về bãi rác Nam Sơn xử lý. Tuy nhiên, gần đây để xảy ra tình trạng đổ rác ra sông Nhuệ trên địa bàn thôn Thượng Phúc là vì dự án gia cố bờ tả sông Nhuệ được triển khai từ vài năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành, khiến đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều đoạn mặt cắt ngang của đường không đủ cho xe thu gom rác thải đi qua nên người dân “bất đắc dĩ” phải chọn giải pháp là đổ rác thải ra ven sông.

Rác thải xuống sông Nhuệ không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn góp phần làm bồi lắng lòng sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thoát nước trong mùa mưa lũ


Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết, tình trạng đổ rác thải ra ven sông Nhuệ không chỉ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường mà còn vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi. Công ty đã nhiều lần có văn bản đề nghị chính quyền các xã ven sông Nhuệ phối hợp cùng công ty ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được sự hợp tác chặt chẽ từ phía chính quyền sở tại, hầu hết chính quyền các xã tìm cách đùn đẩy trách nhiệm.

Chưa có ai thống kê đã có bao nhiêu rác thải sinh hoạt đã đổ xuống sông Nhuệ? Nhưn thực tế cho thấy, đối với những khúc sông bồi, cùng với thời gian rác thải sẽ trở thành “núi” gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy; còn đối với những quãng sông lở thì vào mùa mưa rác cứ thế mặc sức trôi theo dòng và lắng đọng dưới đáy sông. Rõ ràng, nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn thì hậu quả thật khôn lường, rất khó khắc phục, vì không chỉ sông Nhuệ đã ô nhiễm ngày càng thêm ô nhiễm mà dòng chảy ngày càng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc thoát nước trong mùa mưa và nếu có tiến hành nạo vét thì rất tốn kém. Đã đến lúc, việc ngăn chặn tình trạng đổ rác thải ra sông Nhuệ phải được quan tâm đúng mức. Thiết nghĩ, chính quyền các huyện, các ngành chức năng của thành phố cần sớm vào cuộc để xử lý quyết liệt, triệt để tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò chính quyền sở tại ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.