Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết trồng cây ở Hà Nội: Những thay đổi và hiệu quả rõ nét

Nguyễn Mai| 01/03/2015 06:15

(HNM) - Trồng cây đầu Xuân là nét đẹp văn hóa mỗi khi Tết đến, Xuân về. Tết trồng cây Xuân Ất Mùi 2015, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trồng 800.000 cây xanh các loại và từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng (tức từ ngày 23 đến 28-2), các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt tổ chức phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Một điểm rất đáng ghi nhận, biểu dương là 3 năm gần đây, dù thành phố không cấp kinh phí cho công tác này nhưng phong trào Tết trồng cây vẫn được các địa phương thực hiện rộng khắp, bảo đảm chất lượng.

Trồng cây xanh tại các khu đô thị góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh: Bá Hoạt


Nô nức trồng cây đầu năm

Tại thị xã Sơn Tây, khẩu hiệu "Mỗi người trồng một cây, mỗi tập thể trồng một rừng cây" đã góp phần vào việc giữ ổn định trên 330ha rừng tập trung và phát triển thêm nhiều diện tích trồng cây phân tán. Thị xã còn chú trọng trồng cây xanh ở các khu dân cư, cơ quan, công viên, hè phố, các điểm du lịch, phát triển nhiều vườn cây sinh vật cảnh nghệ thuật, góp phần tạo môi trường xanh, "lá phổi" sạch cho Thủ đô. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, Xuân Ất Mùi, Sơn Tây đã phát động Tết trồng cây tại đền Và (phường Trung Hưng) vào ngày mùng 6 Tết. Sau lễ phát động, thị xã phấn đấu trồng 40.000 cây, gồm cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát. Để phong trào trồng cây đạt hiệu quả, thị xã chỉ đạo các xã, phường căn cứ vào đặc điểm, lợi thế khí hậu đất đai, tập quán canh tác để chọn cây trồng phù hợp. Đặc biệt, thị xã luôn quan tâm đến quy hoạch, xây dựng các vùng trồng cây ăn quả có chất lượng, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích phát triển các mô hình trang trại chuyên trồng cây ăn quả hoặc trang trại VAC. Còn huyện Thường Tín phấn đấu trồng hơn 35.000 cây các loại, bao gồm cây bóng mát trên các đường phố, trường học, bệnh viện, công sở; cây ăn quả trồng tại các hộ gia đình, khu chuyển đổi trong nông nghiệp. Để bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, UBND huyện Thường Tín yêu cầu các xã, thị trấn phải chọn giống cây phù hợp, có chất lượng; tổ chức trồng cây theo quy hoạch nhằm nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp, bảo vệ môi trường; đồng thời giao chỉ tiêu trồng cây xanh cho từng xã, phường, thị trấn.

Ngay ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo huyện Đan Phượng đã tập trung về Trường THCS xã Liên Trung cùng với địa phương phát động và trồng cây bóng mát quanh sân trường. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng nhấn mạnh, sau lễ phát động, huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn triển khai kế hoạch trồng cây xanh 2015, phấn đấu toàn huyện trồng mới 25.000 cây, trong đó có 19.560 cây ăn quả, 5.440 cây bóng mát...

Tất cả vì Hà Nội xanh, sạch, đẹp

Tết trồng cây Xuân Ất Mùi 2015, Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 800.000 cây xanh; thực hiện chuyển đổi rừng keo, bạch đàn kém phát triển sang trồng rừng sinh thái theo kế hoạch, đề án đã được phê duyệt; trồng mới khoảng 200-300ha rừng. Để chuẩn bị cho Tết trồng cây 2015, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch, bám vào đăng ký của các huyện; thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc công tác sản xuất vụ xuân và trồng cây đầu năm. Đồng thời, có định hướng về công tác chuyên môn cho các địa phương: chuẩn bị đất, chọn các cây trồng phù hợp; chỉ đạo các trạm cây lâm nghiệp chuẩn bị cây giống để các quận, huyện, cơ quan, đơn vị có nhu cầu cây liên hệ. Cơ cấu giống cây trồng được lựa chọn là những loài cây bóng mát gồm: Keo, sấu, phượng vỹ, muỗng, long não; cây ăn quả gồm: Bưởi, nhãn, xoài, cam…; cây trồng rừng như: Thông, keo, de, mỡ…

Nhờ tổ chức tốt công tác trồng cây, mỗi năm Thủ đô Hà Nội được bổ sung một lượng cây xanh rất lớn. Đặc biệt, đối với các diện tích cây ăn quả ở ngoại thành, việc tiếp cận các giống cây mới có năng suất, chất lượng cao đã và đang góp phần cải tạo các vườn tạp trong nông hộ, mở rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương. Ước tính mỗi năm, thành phố trồng thêm khoảng 500ha cây ăn quả các loại. Nếu như năm 2012, Hà Nội chỉ có khoảng 13.000ha cây ăn quả thì đến nay đã tăng lên 14.500ha. Ngoại thành Hà Nội, sau khi dồn điền, đổi thửa đã có nhiều con đường mới nội đồng; cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, những ngôi trường mới, những nhà văn hóa, khu vui chơi công cộng, đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang, xây dựng mới rất cần được trồng cây xanh, tạo cảnh quan, làm đẹp làng quê. Không chỉ ở khu vực nông thôn, ở các quận nội thành, cây xanh cũng tiếp tục được trồng bổ sung trong các trường học, các khu đô thị mới, trên các trục đường giao thông… Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thị Thoa, trong 3 năm gần đây, thành phố có đổi mới công tác trồng cây. Thành phố không cấp kinh phí cho công tác này mà giao cho UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Tết trồng cây tại địa phương, theo phương châm không phô trương hình thức, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. Tính đến ngày 27-2, Hà Nội đã trồng được khoảng 170.000 cây, bằng gần 20% số cây phải trồng theo kế hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 3-2015.

Hơn 50 năm kể từ ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây, nếu nhìn vào số lượng cây xanh trồng các năm theo kế hoạch sẽ thấy một lượng cây trồng rất lớn. Tuy nhiên, ở Hà Nội chủ yếu là trồng cây phân tán, chứ không trồng cây tập trung nên khó nhận thấy sự thay đổi rõ nét, mà phát triển âm thầm theo năm tháng. Để rồi, sau một vài năm nhìn lại, những dải cây xanh mọc lên sau mỗi Tết trồng trở thành những cung đường xanh; những vườn tạp trở thành những vùng chuyên canh hiệu quả; cây xanh phủ xanh đất trống, đồi gò... Tất cả góp phần vì một Hà Nội xanh, sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết trồng cây ở Hà Nội: Những thay đổi và hiệu quả rõ nét

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.