Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhức nhối nạn khai thác cát và xe quá tải trên đê

Hoàng Văn| 06/05/2015 06:38

(HNM) - Thời gian gần đây tình trạng khai thác cát trên Sông Hồng và xe chở quá tải trọng đi trên các tuyến đê ở Hà Nội luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Xe ô tô chở quá tải trọng là nguyên nhân gây hư hỏng nhiều tuyến đê ở Hà Nội.


Tràn lan vi phạm đê điều

Hà Nội hiện có tổng số 626km đê cần được bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình trạng xe quá tải trọng đi trên đê diễn ra rất phổ biến. Nóng nhất là trên hai tuyến đê hữu Hồng thuộc các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên và tuyến đê tả Hồng tại huyện Đông Anh. Xe quá tải ngày đêm hoạt động đã khiến nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng làm giảm khả năng phòng chống lũ của tuyến đê, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Điển hình nhất là vi phạm trên địa bàn các xã Đại Mạch, Võng La, Hải Bối, Vĩnh Ngọc (Đông Anh), mặt đê thường xuyên được gia cố, sửa chữa nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại bị cày nát. Ngay như đoạn đê dài 700m trên địa bàn thôn Đại Độ, xã Võng La được đầu tư hơn 5 tỷ đồng thảm bê tông và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 1-2015, nhưng đến nay đã xuất hiện một số vị trí bị lún sụt, hư hại mà nguyên nhân chính là do hoạt động của xe ô tô chở quá tải trọng. Còn trên địa bàn hai huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên, tình trạng xe quá tải cũng đang hoành hành, cày nát mặt đê.

Theo ông Bùi Đức Hiệp, Hạt phó Hạt Quản lý đê Phú Xuyên, tuyến đê hữu Hồng qua huyện Phú Xuyên dài 16,6km hiện nay đã bị cày nát. Nhiều vị trí trên địa bàn các xã Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng bề mặt bê tông bị đứt gãy, lồi lõm, trời mưa tạo thành mương nước sâu 20-30cm, trời nắng thì đất cát bay mù mịt. "Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản gửi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng yêu cầu xử lý nhưng không hiệu quả, xe quá tải trọng vẫn cứ hoạt động" - ông Hiệp cho biết.

Ngoài vấn đề xe quá tải trọng, hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn giáp ranh cũng gây ra nhiều hệ quả xấu cho đê điều và công tác phòng chống lụt bão của thành phố. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Gia Lâm thường xuyên có khoảng 20 - 30 tàu cuốc, tàu hút cát hoạt động sai phép làm thay đổi dòng chảy, hạ thấp đáy sông và gây sạt lở đê, kè của Hà Nội. Thực tế trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm Nhà nước đầu tư 200-300 tỷ đồng gia cố các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn theo chiều hướng phức tạp; tình hình hút cát vẫn không được ngăn chặn kịp thời...

Mới xử lý phần ngọn

Để hạn chế vấn nạn trên, tháng 11-2014, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội đã phối hợp với Thanh tra Giao thông, Công an thành phố lập biên bản 103 trường hợp xe chở quá tải trọng, tước giấy phép lái xe 64 trường hợp. Đối với tình trạng khai thác cát, trong năm 2014 công an đã xử lý 13 vụ khai thác cát trên địa bàn các quận, huyện Phúc Thọ, Thường Tín và Bắc Từ Liêm. Tháng 3-2015, Công an thành phố ra quân bắt giữ 21 tàu khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt gần 400 triệu đồng. Gần đây nhất, ngày 14-4, Bộ Công an đã triệt phá một vụ khai thác cát trên Sông Hồng, thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm với số lượng lớn. Lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra 42 phương tiện thủy, trong đó có 15 tàu cuốc, 5 tàu hút cát, 20 tàu vận tải với 139 người liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép, thu giữ hơn 4.000m3 cát.

Tuy nhiên, Chi cục phó Chi cục Đê điều và PCLB Nguyễn Xuân Hải cho rằng nếu chỉ ra quân bắt giữ và xử phạt xe vi phạm thì mới chỉ xử lý được phần ngọn, khi kết thúc đợt ra quân vi phạm vẫn tái diễn. Gốc của vấn đề là phải xử lý các bến bãi tập kết vật liệu ngoài đê; đồng thời kiến nghị Chính phủ yêu cầu các tỉnh giáp ranh Hà Nội thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp khai thác cát trên sông. Ông Nguyễn Xuân Thọ, Công an huyện Thường Tín kiến nghị: Chính quyền địa phương phải làm việc với chủ bến bãi, yêu cầu họ ký cam kết không sử dụng xe quá tải vào chở vật liệu. Bên cạnh đó, các huyện thành lập đoàn kiểm tra, giám sát xử lý kiên quyết những bến bãi không có giấy phép, hoạt động sai phép. Đối với lực lượng quản lý đê phải tuần tra hằng tuần, hằng ngày, ứng trực ở những vị trí xung yếu, tuyến đê phức tạp, khi phát hiện vi phạm báo ngay cho cơ quan công an đến xử lý. Còn ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều đề nghị cơ quan công an tăng chế tài xử lý với các chủ xe vi phạm, thậm chí xử lý hình sự với chủ xe tái phạm nhiều lần. "Chi cục Đê điều sẵn sàng cung cấp cho cơ quan công an hình ảnh, băng video những xe vi phạm để làm căn cứ xử lý" - ông Thịnh nhấn mạnh.

Tại hội nghị bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng hút cát trái phép trên sông và xe quá tải cày nát mặt đê, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Đức Trung cho rằng, giải pháp trước mắt là các địa phương cần rà soát lại quá trình quản lý, sử dụng đất bãi ven sông của các chủ bến bãi tập kết vật liệu; kiên quyết thu hồi những diện tích sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật về đê điều. Đặc biệt, lực lượng quản lý đê các quận, huyện phải tuần tra hằng ngày, hằng giờ trên các tuyến đê, khu vực sông xảy ra nhiều vi phạm để có thông tin kịp thời cho cơ quan công an. Nhất là mùa mưa bão đang đến gần, đề nghị lực lượng công an, thanh tra các quận, huyện phải tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp hút cát trên sông, xử lý triệt để xe ô tô chở quá tải trọng đi trên đê. Cũng theo ông Trung, còn về lâu dài sẽ xây dựng giải giáp công trình để bảo vệ an toàn đê điều, hạn chế vi phạm... 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối nạn khai thác cát và xe quá tải trên đê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.