Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động "tái" ô nhiễm kênh, rạch

Trọng Ngôn| 22/05/2015 07:10

(HNM) - Hàng loạt kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ

Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Nguyễn Lê



Người dân TP Hồ Chí Minh đang lo lắng trước hiện tượng nhiều ngày qua, tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xảy ra tình trạng cá chết nổi trắng dòng kênh. Điều khiến người dân cảm thấy băn khoăn là chưa bao giờ nhìn thấy cá chết nhiều đến như vậy. Đến mức, Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh mới đây đã huy động hàng chục công nhân tham gia vớt cá.

Theo kết quả khảo sát nhanh ngày 20-5 về nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh), có thể do cơn mưa lớn vào chiều ngày 17-5 làm một lượng lớn nước mưa cuốn trôi nước thải sinh hoạt ở cống, rãnh trong khu vực xuống kênh; đồng thời một lượng lớn rác thải có trên kênh (do dân cư vứt xuống) cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm cục bộ, làm các chỉ tiêu chất lượng nước trên kênh (khí độc hại NH3, NO2…) tăng vượt ngưỡng cho phép, gây nên hiện tượng cá chết trên diện rộng. Điều đáng nói là, trước đó, TP Hồ Chí Minh đã mất hơn 20 năm với hàng nghìn tỷ đồng để xử lý môi trường, để cải tạo và "hồi sinh" kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè. Thế nên việc kênh nghìn tỷ, là niềm tự hào này vừa hồi sinh đã tái ô nhiễm, là tiếng chuông báo động cho cơ quan chức năng cũng như người dân trong ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

Không chỉ riêng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua địa bàn có mật độ dân cư đông đúc là Quận 6, Quận 11, Tân Bình và Tân Phú, dù mới được khánh thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây không lâu cũng đang có nguy cơ bị "bức tử" trở lại. Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi hai bờ kênh đã được chỉnh trang thông thoáng, sạch đẹp thì hoạt động mua bán bùng phát sôi động hơn. Tình trạng lấn chiếm hành lang hai bên bờ kênh để mở quán nhậu, quán cà phê, bãi đỗ xe… diễn ra tràn lan. Đáng báo động là thực trạng lén lút xả rác trực tiếp xuống con kênh vào đêm tối hoặc sáng sớm của những người thiếu ý thức đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường dòng kênh vừa được cải tạo này. Chưa hết, nằm giữa khu vực giáp ranh giữa quận Tân Phú và Quận 6, trước thời điểm được cải tạo năm 2014, rạch Bàu Trâu dày đặc rác. Sau khi được cải tạo, con rạch đã trở nên thông thoáng. Tuy nhiên, hiện nay rác thải lại đặc nghẹt lòng rạch, bịt dòng chảy đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt chủ yếu do người dân sống hai bên bờ rạch thải xuống, còn có rất nhiều rác thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất nhỏ lén lút đổ xuống con rạch này.

Theo kết quả quan trắc mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), nước sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính được cho là do nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa qua hệ thống xử lý, hoặc đã xử lý nhưng không đạt tiêu chuẩn xả thải. Tại một số điểm quan trắc như Cầu Xáng - Kênh Xáng, Rạch Cây Khô - Tắc Bến Rô và kênh Thầy Cai có giá trị trung bình của NH3 vượt quy chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, ô nhiễm vi sinh (coliform) khá cao, hàm lượng coliform vượt quy chuẩn Việt Nam từ 1,73 - 130,7 lần. "Nước thải sinh hoạt và công nghiệp đã không được kiểm soát và xử lý triệt để, xả thải trực tiếp ra môi trường là một trong những mối nguy hại lớn và tiềm tàng tại TP Hồ Chí Minh hiện nay", TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Môi trường và Tài nguyên TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh) thừa nhận, những tuyến kênh, rạch đã được cải tạo, nạo vét đang bị tái ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Sơn cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ để chống ô nhiễm nguồn nước tại hệ thống kênh, rạch là kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn xả nước thải. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh đang lập đề án bắt buộc các cơ sở sản xuất có lượng nước thải lớn trên 1.000m3/ngày phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Đến tháng 9-2015, thành phố sẽ hoàn tất việc triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại 15 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động "tái" ô nhiễm kênh, rạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.