Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mưa lũ kéo dài, thiệt hại lớn

Hoàng Sơn - Thanh Mai| 02/08/2015 06:47

(HNM) - Chiều 1-8, mưa lớn đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh khu vực Đông Bắc bộ, Tây Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ.

(HNM) - Chiều 1-8, mưa lớn đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh khu vực Đông Bắc bộ, Tây Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ.

  • Sở xây dựng Hà Nội có công văn về việc chủ động phòng ngừa, đối phó diễn biến mưa, lũ trên địa bàn

Tại tỉnh Lai Châu, mưa lớn kéo dài từ đêm 31-7 đến hết ngày 1-8 đã khiến nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, các tuyến giao thông bị tắc nghẽn cục bộ. Đặc biệt, sạt lở đất đã vùi chết hai người dân ở xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn khi đang đi làm nương. Còn tại Điện Biên, mưa lớn đã gây ra lũ ống tại huyện Tuần Giáo, cuốn trôi nhiều tài sản của nhân dân. Nguyên nhân được xác định là đập Huổi Củ bị vỡ, dòng nước đã cuốn 4 người dân trôi xa hàng trăm mét, nhưng may mắn đã được cứu thoát, trong đó có một người bị thương khá nặng. Theo báo cáo sơ bộ của tỉnh Điện Biên, mưa lũ đã ảnh hưởng tới toàn bộ 19 xã, thị trấn, gây thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa, các công trình giao thông, thủy lợi của nhân dân. Trong đó, hơn 200 ngôi nhà và 500ha lúa, hoa màu của người dân đã bị ngập úng, cuốn trôi. Ước tính, tổng thiệt hại do mưa lũ khoảng 100 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ ngày 2 đến 4-8, các tỉnh khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; trong đó lượng mưa đo được ở khu vực Tây Bắc, Đông Bắc dao động 200-300mm, có nơi 400mm.

Các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao...



Trước tình hình mưa lũ gây ảnh hưởng nặng nề cho các địa phương, trong hai ngày qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ tại các tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau đợt mưa lũ vừa qua; nhanh chóng tính toán, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất. Đồng thời, các địa phương cần hết sức quan tâm các gia đình bị sập nhà hiện chưa có chỗ ở ổn định; có biện pháp để đối phó kịp thời với tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, có khả năng xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn.

Tại tỉnh Quảng Ninh, đến chiều 1-8, công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt diễn ra rất khẩn trương. Để giúp những hộ dân bị mất nhà cửa sớm ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất phương án hỗ trợ như sau: Những nhà bị sập hoàn toàn phải xây mới sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng một nhà; sửa chữa nhà hư hỏng nặng, hỗ trợ 20 triệu đồng một nhà; đối với các nhà ngập từ 1m nước trở lên, được hỗ trợ 5 triệu đồng một nhà. Với những người phải đi thuê nhà sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng trong 3 tháng... Tỉnh Quảng Ninh đã nhận được hơn 55 tỷ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm từ các tỉnh, thành phố và nhà hảo tâm trên cả nước ủng hộ giúp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra.

Lũ làm đổ nhiều nhà dân ở khối Tân Tiến, thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: TTXVN


      Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hiện tại các tuyến đường nội bộ từ các kho mỏ đến cảng bị ngập úng và sạt lở không thể vận chuyển được than. Việc rót than tại các cảng và rót hàng chuyển tải tại khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả để cấp than cho khách hàng cũng phải ngừng do mưa kéo dài liên tục, ảnh hưởng lớn nhất tới việc cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2. Để chia sẻ và giải quyết những khó khăn trong việc cung cấp than do điều kiện bất khả kháng về thời tiết, lãnh đạo TKV và EVN đã có cuộc họp khẩn bàn biện pháp phối hợp giải quyết. Theo đó, trong những ngày tới, TKV sẽ tập trung khôi phục hệ thống đường giao thông trong khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả để tiếp tục vận chuyển cấp than từ các mỏ ở khu vực này ra cảng, tập trung ưu tiên cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 với lượng than cấp bảo đảm bốc dỡ tối thiểu 5.000 tấn/ngày. Ưu tiên tiếp theo là cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với lượng than cấp bảo đảm bốc dỡ tối thiểu 6.000 tấn/ngày.

Hiện tại, lượng than đang trữ được tại kho các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN như sau: Uông Bí có thể sản xuất được trong 20 ngày với công suất 1 tổ máy là 330MW; Quảng Ninh sản xuất điện trong 7 ngày (2 tổ máy); Nghi Sơn sản xuất điện trong 15 ngày (2 tổ máy); Hải Phòng sản xuất điện trong 15 ngày (3 tổ máy); Phả Lại 1 sản xuất điện trong 15 ngày (8 lò/4 máy); Phả Lại 2 sản xuất điện trong 15 ngày (2 tổ máy); Ninh Bình sản xuất điện trong 16 ngày (3 lò); Duyên Hải 1 sản xuất điện trong 10 ngày (2 tổ máy); Vĩnh Tân 2 sản xuất điện trong 4,5 ngày (1 tổ máy). Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia, EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thực hiện các phương án huy động thấp các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời với bảo đảm cung cấp điện và chỉ đạo các tổng công ty phát điện tìm kiếm các nguồn cấp than để duy trì phát điện.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc cung cấp điện cho khách hàng, nhất là khu vực phía Nam vẫn sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo khách hàng sử dụng điện thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, tránh lãng phí, góp phần giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện.

Chủ động phòng ngừa, đối phó diễn biến mưa, lũ trên địa bàn TP Hà Nội

(HNM) - Sở Xây dựng Hà Nội vừa có Văn bản số 6698/ SXD-MT gửi các cơ quan hữu quan về việc chủ động phòng ngừa, đối phó với diễn biến mưa, lũ trên địa bàn TP Hà Nội. Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị hữu quan khẩn trương triển khai một số nội dung: Tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai số 4034/KH-SXD, ngày 21-5-2015, của Sở Xây dựng và tổ chức ứng trực 24/24h.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức ứng trực 24/24h; chủ động phương án tiêu thoát, phòng, chống úng ngập nội thành, tổ chức kiểm tra dỡ bỏ các vật cản, công trình đang thi công làm ảnh hưởng đến dòng chảy, các cửa cống trên các sông, mương tiêu để tăng cường khả năng tiêu thoát… Kiểm tra, chủ động hạ mực nước hồ để chủ động điều hòa nước mưa khu vực…

Các công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, vườn thú, Công viên Thống Nhất và Công ty CP TM Công nghệ Bình Minh chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay các cây nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện; ứng trực, xử lý kịp thời các cây mục gây nguy hiểm khi có mưa to, cây nặng tán, chặt tỉa cành theo kế hoạch đặt hàng và các cây nguy hiểm theo đơn thư đề nghị của nhân dân, có phương án xử lý ngay các sự cố gãy đổ khi mưa bão xảy ra…

Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay cột điện chiếu sáng nguy hiểm, có khả năng gãy đổ, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện; tổ chức ứng trực, kiểm tra xử lý kịp thời các cột điện, cần đèn chiếu sáng có nguy cơ gãy đổ bảo đảm an toàn về người và tài sản; chuẩn bị xe cẩu để có thể hỗ trợ đơn vị khác khi có yêu cầu; chuẩn bị phương án chiếu sáng khi di dân khỏi vùng ngập lụt tại các vị trí cửa khẩu dọc đê.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, HTX Thành Công tổ chức ứng trực, khẩn trương thu dọn vệ sinh sau khi có mưa xảy ra đưa về điểm tập kết đúng nơi quy định khi có đợt mưa kéo dài, bất kỳ, chuẩn bị cơ số xe sẵn sàng khi có yêu cầu; bảo đảm vận hành an toàn bãi xử lý rác Nam Sơn - Sóc Sơn và Xuân Sơn.

Thanh tra Sở Xây dựng chỉ đạo các đội thanh tra quận, huyện và phối hợp với Phòng Quản lý kỹ thuật và Giám định chất lượng kiểm tra sự an toàn về người, tài sản và thiết bị trên các công trường xây dựng, đặc biệt là các cần trục tháp của các nhà thầu đang thi công…

Thư Kỳ - Y Linh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mưa lũ kéo dài, thiệt hại lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.