Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình nhiều cảm xúc

Quỳnh Chi| 16/10/2016 07:25

(HNM) - Từ ngày 6 đến 13-10, Đoàn cựu giáo viên kiều bào Thái Lan đã về nước, tham gia nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan.

Đoàn cựu giáo viên kiều bào Thái Lan trong buổi gặp mặt tại Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài.



40 đại biểu về nước lần này đều có thâm niên dạy tiếng Việt từ 5 đến 15 năm. Nhiều đại biểu có thành tích xuất sắc đã được nhận Huy chương Kháng chiến, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giấy khen của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, hai đại biểu cao tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Kiều (87 tuổi) và ông Lê Văn Nghĩa (82 tuổi). Trong hành trình kéo dài 1 tuần, đoàn đã có những hoạt động ý nghĩa như thăm Khu di tích Làng Sen (Nghệ An); viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long... Mỗi địa danh đi qua đều mang đến những cảm xúc ngập tràn và để lại trong lòng mỗi người con đất Việt sống xa quê hương những ấn tượng khó quên. Chia sẻ về những năm tháng tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng, ông Vũ Mạnh Hùng (giáo viên từng dạy tiếng Việt tại Khỏn Kèn) cho biết, phong trào dạy tiếng Việt trong cộng đồng giai đoạn 1960-1976, rất sôi nổi. Thực hiện đúng như lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người”, các thầy cô giáo đã dồn hết tâm huyết để truyền bá, giữ gìn văn hóa Việt cho các thế hệ người Việt trên đất Thái. Ông Hùng xúc động: “Hôm nay, chúng tôi được hội ngộ cùng nhau trên quê hương. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng mọi thành viên đều rất háo hức. Tôi hy vọng sẽ có thêm những người “đứng lớp” như chúng tôi trở về thăm quê cha đất tổ”.

Ông Nguyễn Văn Kiều, thành viên cao tuổi nhất trong đoàn, chia sẻ niềm vui khi lần đầu tiên tham gia đoàn cựu giáo viên về nước để những người làm công tác "gieo chữ" ở nước ngoài có cơ hội được gặp nhau, cùng ôn lại những năm tháng truyền tải, gìn giữ văn hóa cha ông. "Chúng tôi sẽ quên đi sự hạn chế của sức khỏe và tuổi tác, tiếp tục làm hết sức mình để thế hệ con cháu tại Thái Lan không quên văn hóa Việt và hiểu về truyền thống anh hùng của dân tộc", ông Kiều khẳng định.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên dạy tiếng Việt tại Thái Lan, mặc dù nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ Đảng, Nhà nước và sự hưởng ứng của bà con nhưng phong trào dạy tiếng và văn hóa Việt vẫn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, chưa bền vững. Vì vậy, ông Đào Trọng Lý, giáo viên dạy tiếng Việt tại Nakhon Phanom mong rằng, Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến về quê hương tương tự như thế này dành cho các thế hệ giáo viên đang có những đóng góp quan trọng cho việc gìn giữ tiếng Việt ở nước bạn. Ngoài mục đích trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, chuyến đi là động lực để các giáo viên thêm tự hào về nghề nghiệp, về nguồn gốc, thêm yêu quê hương đất nước và qua đó, nâng cao hiệu quả việc giảng dạy tiếng Việt tại Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình nhiều cảm xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.