Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức vươn Hồng Dương

Nguyễn Mai| 01/08/2011 06:47

(HNM) - Xã Hồng Dương (Thanh Oai), từ lâu được biết đến là đất nghề, hiện xã có 7/7 thôn được công nhận làng nghề. Đây cũng là vùng quê đã vinh dự được Bác Hồ hai lần về thăm và chỉ đạo sản xuất…

Điểm sáng chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Về Hồng Dương, ngỡ ngàng đầu tiên đối với chúng tôi đó là trạm y tế xã rất đông người đến khám và chữa bệnh, không chỉ người trong xã, mà còn nhân dân các xã lân cận trong vùng khi ốm đau, nếu không quá nghiêm trọng cũng tìm về đây để khám, chữa bệnh. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nguyễn Thị Lưu dẫn chúng tôi đi thăm phòng khám, chữa bệnh, phòng thuốc… được sắp đặt ngăn nắp và sạch sẽ. Trạm có cả vườn thuốc nam với hàng trăm loài cây thuốc.

Tại khu điều trị, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Nguyên ở thôn Hoàng Trung. Anh Nguyên bị tai nạn trong khi đi làm ở nội thành Hà Nội và được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện gần đó. Sau đó, anh chuyển về điều trị tại trạm y tế xã. "Ở nông thôn, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Phải ra điều trị ở bệnh viện tốn kém. Bởi vậy, chỉ khi có bệnh nặng, chúng tôi mới đến bệnh viện, còn các bệnh thông thường, tất cả đều ra trạm xá" - Anh Nguyên cho biết.

Khu châm cứu, chữa bệnh theo phương pháp Đông y cũng đông kín bệnh nhân. Bà Đặng Thị Minh, đến từ xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho hay: "Tôi bị đau dây thần kinh nên thường xuyên phải đi châm cứu, mỗi đợt điều trị ở đây là khoảng 5 ngày. Mặc dù quãng đường từ Phú Túc đến đây chừng 10km nhưng các bác sĩ, y sĩ ở trạm này rất nhiệt tình điều trị có hiệu quả, chi phí châm cứu, thuốc thang không cao nên nhiều người xã tôi vẫn đến đây chữa bệnh". Theo Trạm trưởng Nguyễn Thị Lưu, năm qua, trạm đã khám và chữa bệnh cho gần 20.000 lượt người ở các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên và Thanh Oai tìm về, trong đó có không ít bệnh nhân điều trị nội trú.

Không chỉ làm tốt việc khám chữa bệnh, Hồng Dương còn làm rất tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từ cách đây hơn chục năm, 100% các đôi "uyên ương" ở địa phương đã được tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, điều mà ngay cả ở thành phố cũng chưa làm được. Có được điều này là do các thôn đã, đưa việc khám và tư vấn sức khỏe cô dâu, chú rể vào quy ước làng văn hóa; đồng thời khi đăng ký kết hôn, các bạn trẻ được cán bộ xã vận động sang trạm y tế xã khám và tư vấn sức khỏe. Trạm y tế xã lưu tên, tình trạng sức khỏe của các cặp vợ chồng trẻ vào sổ và theo dõi đến khi họ sinh con.

Mô hình kinh tế trang trại của xã Hồng Dương.

Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc

Hồng Dương có hơn 650ha đất canh tác nhưng đồng đất không bằng phẳng, có nhiều vùng đất trũng, manh mún. Năm 2006, xã vận động người dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Dương Nguyễn Gia Sướng cho biết: Là xã được Bác Hồ về thăm hai lần nên các thế hệ đảng viên ở đây đều ý thức được mình phải tích cực duy trì tốt các phong trào để xứng với tiếng thơm ấy. Từng chi bộ, đảng viên mạnh dạn xây dựng mô hình chuyển đổi sản xuất ngay trên diện tích ruộng của gia đình mình và tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, tự nguyện làm theo. Tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao nên đến nay Hồng Dương đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, giảm từ 10-12 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đến nay, địa phương đã hình thành các khu nuôi trồng thủy sản rộng trên 100ha, khu lúa cao sản rộng trên 120ha, đã quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư rộng 5ha, khu trồng rau sạch…

Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, Hồng Dương còn vận động nhân dân phát triển mạnh nghề chẻ tăm hương. Bây giờ có dịp về Hồng Dương, đâu đâu cũng thấy tăm hương phơi kín các trục đường. Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch MTTQ xã cho hay: "Tuy mới vào xã những thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng nghề chẻ tăm hương đã đem lại hiệu quả thiết thực nên đã nhân ra khá rộng. Đến nay, toàn xã có hơn 90% số hộ làm nghề, 7/7 làng được công nhận làng nghề". Mặc dù nghề phụ phát triển nhưng môi trường nông thôn không bị ảnh hưởng bởi tất cả các thôn đều có tổ vệ sinh môi trường và điểm trung chuyển rác. Hiện Hồng Dương đang xây dựng điểm về nông thôn mới của huyện Thanh Oai, hoàn thành trước năm 2012 để làm cơ sở rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra toàn huyện. Theo Chủ tịch UBND xã Đỗ Quyết Thắng, đó là cơ hội để Hồng Dương bứt phá, phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, xứng đáng là quê hương từng được hai lần đón Bác về thăm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức vươn Hồng Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.