Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mũi tên trúng nhiều đích

Xuân Quang| 27/01/2012 07:30

(HNM) - Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Sóc Sơn đã chọn khâu đột phá vào công việc khó nhất là dồn điền đổi thửa (DĐĐT).

Đây là việc đã nung nấu cả thời gian dài nhưng đến thời điểm này, Sóc Sơn mới thành công với kết quả rất đáng mừng, đã DĐĐT được 4.000ha trên tổng diện tích 7.000ha, mỗi hộ chỉ còn một thửa, người dân rất phấn khởi, khi đã là chủ thể thực sự trong công cuộc xây dựng NTM.

Quy hoạch lại đồng ruộng

Địa hình đất đai của Sóc Sơn thuộc dạng bán sơn địa, chỗ cao, nơi úng trũng nhấp nhô, vì thế mà trước đây chia ruộng theo Nghị định 64, mỗi hộ có quá nhiều mảnh, trung bình tới 25 đến 30 mảnh nên canh tác rất khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ngô Đại Ngọc cho biết, Sóc Sơn đã bắt đầu từ việc nan giải nhất là động đến đất canh tác, vấn đề vốn vẫn được xem là nhạy cảm. DĐĐT không phải là tiêu chí nhưng nó liên quan đến tiêu chí mấu chốt là quy hoạch lại đồng ruộng và tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Vì là khâu "xương" nhất nên Sóc Sơn chú trọng tuyên truyền, giải thích họp bàn thấu đáo để cán bộ thông rồi xã, thôn và người dân đều thông. Khi chọn 2 xã làm điểm là Tân Hưng và Minh Trí để bàn với dân chuyện DĐĐT có biết bao thắc mắc được lãnh đạo xã và huyện giải đáp rõ, đó là dân phải đóng góp ngày công thế nào, quỹ đất dôi dư sau chia lại ruộng sẽ sử dụng thế nào, việc di chuyển mồ mả dân được hỗ trợ không?... xã Tân Hưng phải tổ chức tới 29 cuộc họp, Minh Trí cũng trên 20 cuộc họp lớn nhỏ giải thích, tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận gật đầu của 100% người dân. Theo ông Ngô Đại Ngọc, khó khăn nhất trong DĐĐT là 20% số cán bộ xã, thôn và một số bộ phận dân được nhận ruộng tốt, ngại chia lại ruộng ảnh hưởng đến quyền lợi nên chính quyền phải kiên quyết đả thông lấy lợi ích của tập thể, số đông để thuyết phục mới gỡ được nút thắt này. Việc triển khai tuyên truyền không dừng ở xã, phải làm tới thôn, kêu gọi dân ủng hộ chủ trương DĐĐT để quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông nội đồng và kênh mương.

Thực tế việc DĐĐT ở Sóc Sơn là cuộc cách mạng về ruộng đất, huy động toàn dân xuống đồng chia lại ruộng, đo lại diện tích mỗi hộ chỉ một thửa, đất 5% của dân được dồn về một khu, đất công của xã quản lý nay cũng quy về một chỗ. Qua DĐĐT 4.000ha đạt trên 40% diện tích toàn huyện, Sóc Sơn đã dôi ra gần 300ha đất để xây dựng các công trình phúc lợi, đề nghị đấu giá đất để có kinh phí đầu tư cho xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng. Huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ mỗi xã từ 5 đến 7 tỷ đồng, giúp các xã quy hoạch lại sản xuất, DĐĐT. Sau khi DĐĐT các xã đã huy động hàng nghìn ngày công tham gia đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo ra những cánh đồng lớn, đường giao thông nội đồng rộng từ 6 đến 10m, tạo thuận lợi cho việc sản xuất nông sản hàng hóa tập trung liền vùng liền thửa ở Sóc Sơn.

Chìa khóa thành công

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Công Soái tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo NTM Hà Nội mới đây đã khen ngợi Sóc Sơn dám chọn việc khó nhất trong xây dựng NTM để đột phá đó là DĐĐT, quy hoạch lại đồng ruộng để tổ chức lại sản xuất. Sóc Sơn làm được là nhờ có đề án tốt, chuẩn bị khá kỹ nên khi ban hành nghị quyết hợp lòng dân, thực hiện công khai dân chủ, chỉ đạo quyết liệt nên thành công. Ở đây, công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng, có thể nói là khâu quyết định, vì mục đích chung, không chạy theo dự án, ngồi chờ vốn nhà nước. Việc DĐĐT, quy hoạch lại đồng ruộng cán bộ không được hưởng lợi ích, công việc rất vất vả, phải đôn đáo ngược xuôi, họp tới hàng chục lần để giải đáp, hướng dẫn, tuyên truyền cho dân đến khi dân hiểu, đồng tình mới triển khai nên dân hưởng ứng và ủng hộ. Sóc Sơn đã huy động được người dân tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM khi họ là chủ thể thực sự, họ được hưởng lợi ích, được bàn bạc dân chủ.

Sóc Sơn chọn khâu DĐĐT rõ ràng là mũi tên bắn nhiều đích. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ngô Đại Ngọc cho rằng, tiêu chí quy hoạch lại đất đai, tổ chức lại sản xuất là khó nhất mà DĐĐT là "xương" nhất đã tấn công được thì các tiêu chí khác không khó khăn nữa. Ông Ngọc khẳng định, khi dân đã tin thì chẳng có việc gì là khó cả, họ đã được canh tác thuận lợi hơn trên thửa ruộng lớn và được toàn quyền quyết định công việc của địa phương nên rất phấn khởi. Đây thực sự là "chìa khóa" đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM thể hiện sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo mà Sóc Sơn đã thành công.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt khẳng định, công tác DĐĐT được coi là mấu chốt của quá trình xây dựng NTM, do vậy cần bước đột phá mạnh hơn. Các huyện, thị xã cần vận dụng kinh nghiệm của Sóc Sơn, chỉ đạo quyết liệt như Sóc Sơn thì mới gỡ được nút thắt trong công tác quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên - Môi trường cần sớm tổng kết kinh nghiệm qua cách làm hay của Sóc Sơn để phổ biến hướng dẫn các địa phương triển khai nhanh DĐĐT, tạo ra tiền đề thuận lợi cho công cuộc xây dựng NTM sớm cán đích. Thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí và có cơ chế khuyến khích các địa phương làm tốt việc DĐĐT tạo cánh đồng lớn phục vụ cho cơ giới hóa, sản xuất lớn cho nông nghiệp Thủ đô hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mũi tên trúng nhiều đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.