Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Mai| 31/07/2013 05:54

(HNM) - Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đầu tư đúng hướng, sáng tạo là chìa khóa thành công để Từ Liêm sớm trở thành huyện NTM với những đặc thù của vùng ven đô.

Đông Ngạc là một trong 4 xã của huyện Từ Liêm đã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM năm 2012, với số điểm cao nhất. Bí thư Chi bộ thôn 6 Trần Xuân Lễ chia sẻ kinh nghiệm, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên từ việc nhỏ đến lớn đều được nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Ông Lễ nhớ lại: "Trước nhu cầu của nhân dân xóm 6 và được sự chấp thuận của UBND xã cho sử dụng khu đất trống hiện đang là bãi rác tự phát làm sân bóng đá, đích thân tôi đã đi vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng xắn tay vào thu dọn. Chỉ sau một tuần, hàng chục mét khối rác thải đã được vận chuyển đến nơi xử lý, tạo ra một mặt bằng, không gian sạch sẽ. Nhân dân còn tự nguyện đóng góp tiền, ngày công để tôn tạo, nâng cao nền, đến nay xóm đã có một sân bóng đá khang trang...".

Xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm ngày càng đổi mới. Ảnh: Giang Sơn


Bí thư Đảng ủy xã Đông Ngạc Văn Thúy Hoa cho hay, thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Đông Ngạc đã huy động được nhân dân và các tổ chức kinh tế góp ngày công và tiền giá trị hơn 177 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, các công trình như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế và các tuyến đường giao thông ở xã đều đã được xây dựng đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần người dân. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 26 triệu đồng/năm thì đến 2012 đã tăng lên 36,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,3% xuống còn 1,35%.

Tại thời điểm năm 2011, khi huyện lập đề án xây dựng NTM, 100% các xã chưa có quy hoạch thì đến hết năm 2012 đều đã hoàn thành. Sau 3 năm, Từ Liêm đã huy động được gần 2.300 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó vốn thành phố hỗ trợ hơn 221 tỷ đồng, vốn huyện và xã 1.800 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân là 247 tỷ đồng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của huyện đã có sự thay đổi rõ rệt, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Đáng chú ý là huyện đã hoàn thành 39 dự án kè ao; cải tạo quỹ đất công tại 62 điểm với tổng diện tích 28ha, vừa làm điểm vui chơi cộng đồng, vừa tránh tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Xây dựng NTM với đặc trưng riêng

Nói về hướng phát triển đối với khu vực nông thôn của huyện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho biết, do có nhiều làng nghề như may ở Cổ Nhuế, gò ở Tây Mỗ, làm bún ở Phú Đô… nên Từ Liêm xác định sẽ duy trì, tạo điều kiện để các làng nghề phát huy hiệu quả và dịch vụ - thương mại mới là hướng đi chính, đồng thời vẫn quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp còn ít đặt ra cho huyện "bài toán" phải khai thác tối đa hiệu quả đất đai theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nông dân trên địa bàn huyện vẫn đang xen canh các loại cây trồng như hoa, rau, cây ăn quả, lúa… nhưng trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp nhất. "Với địa hình chia cắt, xen kẹt bởi rất nhiều các dự án đô thị, công nghiệp, phát triển cây hoa được huyện khuyến khích bởi có chu kỳ thu hoạch ngắn, thích ứng với nhu cầu đô thị hóa" - ông Thư cho biết. Chính việc chọn được cây trồng chủ lực này đã đưa giá trị sản xuất nông nghiệp/hécta canh tác của huyện đạt 320 triệu đồng/ha, tăng 151 triệu đồng/ha so với năm 2011.

Với những bước đi vững chắc, nhiều tiêu chí được coi là khó đều đã được Từ Liêm triển khai đạt điểm cao như: 99,85% nhà ở dân cư đạt chuẩn; trên 90% lao động nông thôn có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước hết năm 2013 đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 12,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. 100% xã đạt chuẩn y tế, 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn và sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% xã có điểm dịch vụ internet, 48/62 trường học do huyện quản lý đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 98% và dự kiến sẽ hoàn thành 100% vào cuối năm 2013… Đáng chú ý là thời điểm trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Từ Liêm chỉ có 6 tiêu chí đạt (chiếm 31,6%), 10 tiêu chí cơ bản đạt (chiếm 52,6%), 3 tiêu chí chưa đạt (chiếm 15,8%) thì sau 3 năm triển khai thực hiện, huyện đã có 17 tiêu chí đạt (chiếm 89,4%), 2 tiêu chí cơ bản đạt (chiếm 10,6%). Đến nay, huyện đã có 8 xã đạt 19 tiêu chí, 1 xã đạt 18 tiêu chí, 4 xã đạt 17 tiêu chí và 2 xã đạt 16 tiêu chí… Một diện mạo NTM với những nét đặc thù đã hiển hiện ở Từ Liêm, mang lại cuộc sống mới và cung cách làm ăn mới cho hàng trăm nghìn người dân vùng ven đô.

Ý kiến nhân dân

Ông Đỗ Văn Tú (phường Văn Phú, quận Hà Đông):
Mật độ dân cư tại các quận trung tâm đã giảm rõ rệt

Trong các địa bàn của Hà Tây trước đây, quận Hà Đông có tốc độ đô thị hóa nhanh. Sau khi hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, cơ sở hạ tầng của Hà Đông càng được cải thiện, cũng như nhiều gia đình ở các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình... gia đình tôi đã quyết định chuyển về các khu đô thị mới của Hà Đông để sinh sống. Mặc dù xa trung tâm, nhưng an sinh xã hội ở đây được đáp ứng đầy đủ. Qua báo chí, tôi được biết mật độ dân cư tại các quận trung tâm của Hà Nội đã giảm đáng kể, vừa giải tỏa áp lực dân số vừa giúp thành phố có điều kiện chăm lo cho người dân tốt hơn.

Chị Trần Thanh Hải (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai):
Giao thông từ nội đô ra ngoại thành rất tiện lợi
Trước đây, mặc dù liền kề nhau nhưng có cảm giác Hà Nội và Hà Tây xa xôi, cách biệt, đi lại vất vả. Nhưng kể từ khi hợp nhất, mọi ngả đường được mở mang kết nối rộng khắp, mang lại thay đổi mới mẻ trên những mảnh đất trước đây chỉ trồng lúa và hoa màu. Đặc biệt các tuyến đường lớn thông suốt trong thành phố như Lê Văn Lương kéo dài, đường Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 32… đã khiến khoảng cách giữa các vùng nội thành và ngoại thành như được gần lại.

Bà Nguyễn Thị Thu (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì):
Giáo dục có nhiều bước tiến

Sau 5 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, học sinh các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa đã được học trong các phòng học khang trang, ngày càng đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Khoảng cách chất lượng giữa giáo dục ở các vùng nông thôn với các quận nội thành ngày càng rút ngắn. Bằng chứng là điểm thi tuyển vào lớp 10 tại các trường khu vực này năm sau luôn cao hơn năm trước và đã có sự cạnh tranh rất lớn trong việc tuyển sinh đầu vào, từ đó thúc đẩy sự đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, góp phần khẳng định vị thế của ngành GD-ĐT Thủ đô đối với cả nước.

Nhóm PV Ban Bạn đọc
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.