Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần tháo gỡ kịp thời

Nguyễn Mai| 20/08/2014 06:18

(HNM) - Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, phát huy giá trị của dồn điền, đổi thửa vẫn đang là thách thức lớn...

Làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa sẽ tạo thuận lợi cho cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt


Muốn sản xuất lớn, phải củng cố HTX

Có một thực tế là nơi nào HTX được củng cố, hoạt động mạnh, nơi đó cung ứng được nhiều dịch vụ sản xuất thuận lợi cho xã viên. Tại huyện Phúc Thọ, đi đôi với DĐĐT, huyện đã triển khai củng cố lại các HTX, lấy đó làm nòng cốt để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phùng Anh Tuấn, đến nay khâu làm đất trên địa bàn huyện đã được cơ giới hóa tới 99%, tuy nhiên khâu gieo cấy và thu hoạch hiện tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn và chưa đồng bộ. Gần đây, huyện đã đưa vào thí điểm mô hình gieo cấy bằng máy, hiệu quả rõ rệt hơn hẳn cấy truyền thống. Theo tính toán, nếu gieo cấy bằng máy, chi phí sẽ rẻ hơn 176 nghìn đồng/sào, xấp xỉ 5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khâu này tư nhân rất khó đảm đương bởi việc đầu tư máy móc cần kinh phí lớn, quy trình kỹ thuật cao song lợi nhuận lại không nhiều, khó thu hồi vốn và rất khó xã hội hóa. Chính vì vậy nó chỉ phù hợp với các HTX. Thực tế cho thấy, tất cả các địa phương trên địa bàn huyện đưa được máy cấy vào đều thông qua các HTX. Theo Chủ nhiệm HTX Ngọc Tảo Phí Quý Hải, cùng với hỗ trợ 50% giống, vật tư làm mạ, giá thể và máy cấy, 9 thành viên trong HTX đã tham gia góp vốn mỗi người 30 triệu đồng cùng với vốn cố định của HTX để đầu tư mua 2 máy làm đất, 3 máy cấy và gần đây nhất là mua 1 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất cho xã viên với mức chỉ 380 nghìn đồng/sào cả 3 khâu làm đất, cấy và thu hoạch. "Trước đây, khi chưa làm các công việc này, HTX hoạt động khá èo uột do không có dịch vụ gì nên không có thu nhập. Nay HTX đã có việc làm và hoạt động tốt" - ông Phí Quý Hải cho biết.

Còn tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, đã 3 vụ sản xuất sau DĐĐT, mô hình HTX đứng ra cung ứng các dịch vụ cho xã viên đang phát huy hiệu quả. Hiện địa phương đang xây dựng đề án mỗi thôn thành lập một HTX nông nghiệp dịch vụ quy mô thôn làm các khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp. "Do đặc thù sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ, khung thời vụ tốt nhất để gieo cấy chỉ trong một vài ngày, trong khi đó, HTX Nông nghiệp dịch vụ quy mô xã chỉ cung cấp dịch vụ được cho một phần diện tích nên rất cần thành lập thêm nhiều HTX nữa để đáp ứng kịp thời sản xuất của xã viên" - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đỗ Văn Nghị cho biết.

Sớm sửa đổi chính sách chưa phù hợp

Có thể khẳng định, thành công lớn của Hà Nội sau DĐĐT là những cánh đồng "thẳng cánh cò bay", nông dân phấn khởi khi sản xuất nông nghiệp đã không còn quá vất vả bởi có sự hỗ trợ của các loại máy móc. Thế nhưng, để sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phát triển theo hướng hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao tối đa giá trị đất đai thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Thực tế, đất đai phục vụ sản xuất có hạn, năng suất cây trồng, vật nuôi dù có được cải thiện nhưng cũng chỉ tăng đến mức độ nhất định. Do vậy, việc nghiên cứu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, chuyển như thế nào, làm sao để ngành nông nghiệp phát triển, người nông dân có đời sống khấm khá thì khoa học nông nghiệp phải đi trước một bước.

Tại hội nghị giao ban BCĐ Chương trình 02 Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho rằng, sau DĐĐT phải "lôi kéo" được ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Những mô hình nông dân góp đất hoặc cho doanh nghiệp thuê đất để sản xuất đang xuất hiện ở một số địa phương vừa bảo đảm có nguồn thu ổn định, vừa rút được lao động sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc trực tiếp làm công ăn lương cho doanh nghiệp là một hướng đi mới để nhiều địa phương nhân rộng.

Thực tế trong sản xuất nông nghiệp, những chính sách liên quan nhằm tạo động lực cho phát triển nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Đối với TP Hà Nội, sớm tháo gỡ khó khăn sau DĐĐT là nhiệm vụ cần thiết phải được quan tâm giải quyết kịp thời. Đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Chu Nguyên Thành, việc đo đạc, cấp lại GCNQSDĐ sau DĐĐT trên địa bàn được thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường đảm nhận. Tuy vậy, số diện tích cần cấp của toàn thành phố rất lớn, nếu chờ Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ rất lâu. Bà Chu Nguyên Thành đề xuất thành phố nên giao cho huyện chủ động triển khai để đẩy nhanh tiến độ. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc lại kiến nghị, nếu chưa cấp được GCNQSDĐ ngay thì nên cấp giấy chứng nhận tạm thời để tháo gỡ khó khăn…

Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu: Chính sách hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng thông qua hỗ trợ, củng cố các HTX là rất quan trọng. Thực tế ở huyện cho thấy, với chính sách hỗ trợ của huyện (hỗ trợ 50% mua máy cấy, máy gieo hạt đối với các HTX; 10% đối với hộ cá nhân), toàn huyện có 28 máy cấy và 36 máy gieo hạt ước giá trị khoảng 2,4 tỷ đồng. Từ đây đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản là cách làm hiệu quả giúp người dân nâng cao thu nhập.

Có thể thấy, việc hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất là việc làm thiết thực, hiệu quả. Thời gian qua, cả thành phố đã dồn bao tâm sức, tiền của vào công tác DĐĐT nhằm đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiết kiệm chi phí sản xuất và sức lao động. Tuy nhiên, việc chậm sửa đổi những chính sách hỗ trợ đối với việc mua máy móc của thành phố đang làm giảm hiệu quả của những nỗ lực đó. Vì vậy, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này trong QĐ16 sẽ là cơ hội, động lực để nông nghiệp Thủ đô bứt phá. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần tháo gỡ kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.