Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Dưới” cần nhưng “trên” chưa vội?

Minh Phú| 17/10/2014 06:20

(HNM) - Để có nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai quy hoạch các khu đấu giá quyền sử dụng đất theo chủ trương của thành phố.



Thế nhưng với các xã có đất thuộc vùng bãi ngoài đê như xã Tản Hồng và một số xã khác trên địa bàn huyện Ba Vì, sau khi chọn được điểm đấu giá, việc xin ý kiến các sở, ngành gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xây dựng NTM tại địa phương.

Đưa chúng tôi đến khu

đất xen kẹt thuộc bãi Thâu Già, cụm 11, thôn La Thiện, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu bức xúc: Khu đất này và nhiều khu đất khác được xã quy hoạch cho đấu giá quyền sử dụng đất đều nằm cách chân đê chừng 400m, từ kè sông vào 500m, lọt giữa khu dân cư đông đúc hàng trăm năm nay nhưng không được chấp thuận cho đấu giá. Thêm nữa, việc quản lý khu vực này cũng khó khăn bởi xung quanh đều là các hộ dân đang sinh sống nên dễ lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích.

Theo Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu, xã có 85% dân số sống ngoài đê ổn định từ lâu đời. Các hoạt động giao lưu, buôn bán, sinh hoạt văn hóa ngoài đê phát triển hơn phía trong đê vì vậy, đất ở ngoài đê có giá cao hơn. Ông Liểu dẫn chứng: "Vừa qua, xã đấu giá 9 lô đất nhưng có tới 70 đơn xin mua cho thấy nhu cầu người dân rất lớn. Với giá dao động trong ngõ khoảng 6 triệu/m2, nếu gần đường lớn giá lên tới 10 triệu/m2… Do vướng mắc trong khâu thủ tục, các khu đất này không được đấu giá là sự lãng phí lớn và ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM do thiếu vốn. Mặc dù Đảng bộ và nhân dân xã đã quyết liệt phấn đấu về đích NTM trong năm 2014 nhưng hiện Tản Hồng mới có 12 tiêu chí đạt, 3 tiêu chí cơ bản đạt và 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, thủy lợi nội đồng, cơ sở vật chất văn hóa, trường học... Đây đều là những tiêu chí đều cần nhiều kinh phí. Không những thế, những khu đất xen kẹt này sản xuất kém hiệu quả vì nằm giữa khu dân cư, tưới tiêu không bảo đảm, nhiều hộ bỏ không sản xuất, gây khó khăn về quản lý cho địa phương.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Lê Quang Hào, huyện Ba Vì nằm ven hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đà nên dân số tập trung khu vực ngoài đê rất lớn. Phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất, UBND huyện Ba Vì đã có văn bản gửi xin ý kiến các sở, ngành. Riêng các dự án quy hoạch đấu giá đất nằm ngoài đê chiếm hơn 10 điểm nhưng đều chưa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận. Riêng xã Tản Hồng có 4 điểm ở các vị trí: Thôn La Thượng có bãi Đầm Thượng diện tích khoảng 2.645m2; bãi Thâu Già diện tích khoảng 1.623m2; thôn Vân Sa có khu Đầm Ngược, diện tích khoảng 894m2; Đầm Xuôi diện tích khoảng 1.900m2. Tiếng là nằm ngoài đê nhưng các khu đất này là đất nông nghiệp, đất ao… đều nằm xen kẹt trong khu dân cư hàng chục năm nay. "Năm 2010, huyện đã trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc và được Sở trả lời phải có ý kiến của Chi cục Quản lý đê điều xem có vi phạm Luật đê điều không. Sau khi hoàn thiện thêm thủ tục và nhận được ý kiến trả lời của Chi cục Đê điều là các khu đấu giá này nằm ngoài hành lang thoát lũ đê sông Hồng, huyện tiếp tục trình lần 2 nhưng vẫn chưa được chấp thuận" - ông Hào cho biết.

Cũng theo ông Lê Quang Hào, sau khi nghiên cứu Quyết định 959 của UBND thành phố về việc phê duyệt chi tiết chỉ giới thoát lũ trên tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống (ban hành ngày 28-2-2011) và Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND của HĐND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội, huyện Ba Vì lại trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc lần 3 và tiếp tục nhận được câu trả lời chưa có quy hoạch đê điều nên chưa chấp thuận cho đấu giá. Năm 2012, thực hiện chủ trương xây dựng NTM, huyện tiếp tục trình lên Sở lần 4 hy vọng sẽ được chấp thuận nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời: "Để có cơ sở lập dự án đầu tư đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực bãi sông, đề nghị huyện Ba Vì báo cáo xin ý kiến thỏa thuận của Bộ NN&PTNT theo quy định". Ông Hào cho rằng, yêu cầu như vậy là rất khó cho huyện bởi với thẩm quyền của huyện thì không thể xin ý kiến "vượt cấp" lên Bộ NN&PTNT nên các khu đấu giá của huyện vẫn "án binh bất động" nhiều năm qua dù các xã đều nằm trong cảnh thiếu vốn xây dựng NTM.

Trao đổi với cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc được biết, việc thực hiện một dự án tuân thủ theo quy trình quy định của pháp luật, trong đó khâu thỏa thuận địa điểm là một thành phần trong các dự án nói chung không chỉ riêng dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay các dự án đầu tư xây dựng trong khu vực ảnh hưởng của chỉ giới thoát lũ của các tuyến sông có đê trên toàn địa bàn thành phố, khi tiến hành các thủ tục triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện theo Luật Đê điều và các quy định của pháp luật hiện hành. Đối với dự án xây dựng công trình tại khu vực bãi sông phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ NN&PTNT. Thực tế, các khu đấu giá ở Tản Hồng không nằm trong hành lang thoát lũ. Hơn nữa, trong từng trường hợp cụ thể, với những quy định chưa thực sự sát với thực tế gây khó khăn cho cơ sở thì cần được các sở, ngành tập trung tháo gỡ kịp thời. Thực tế, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn thu cho xây dựng NTM. Vì vậy, các địa phương đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ngành liên quan vào cuộc, trên cơ sở thực tế các khu đất mà tham mưu cho thành phố hoặc đề nghị các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Nếu việc triển khai xây dựng NTM không có sự vào cuộc đồng bộ thì khó có thể khai thông các khó khăn giúp các xã về "đích" NTM như mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Dưới” cần nhưng “trên” chưa vội?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.