Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Phúc Thọ: Nghịch lý hậu thu hồi đất

Hữu Hoài| 17/12/2014 06:36

(HNM) - Hàng nghìn hộ dân bị thu hồi đất ở huyện Phúc Thọ đang gặp khó khăn do không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, nhiều dự án được cấp có thẩm quyền giao đất chậm đưa vào sử dụng, bỏ hoang lãng phí…


Phúc Thọ là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Lẽ ra, sau khi bàn giao đất trồng trọt cho các dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đô thị theo chủ trương của Nhà nước, người dân sẽ được tạo việc làm, tăng thu nhập. Thế nhưng niềm mong mỏi đó vẫn chưa thành hiện thực, bởi một số dự án đầu tư trên địa bàn huyện vẫn nằm trên "giấy". Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp huyện Phúc Thọ Đặng Huy Thân, cho biết, thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, huyện đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ với diện tích 23,7ha và 8 cụm tiểu thủ công nghiệp, tổng diện tích 120ha nhằm một mặt đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho hộ sản xuất tại các làng nghề, mặt khác thu hút doanh nghiệp thuê đất phát triển sản xuất kinh doanh. Song do nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp chậm, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, có cụm công nghiệp đất đai bị bỏ hoang, lãng phí kéo dài.

Đất được giao cho doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ bỏ hoang lãng phí.


Mặc dù "cơn lốc" đô thị hóa đã tạo cho diện mạo thị trấn Phúc Thọ ngày một khởi sắc, song nhắc đến phát triển cụm công nghiệp nhiều người dân tỏ ra bi quan. Một người dân cho biết: "Trước khi doanh nghiệp "đổ bộ" vào địa bàn thuê đất sản xuất kinh doanh đều hứa hẹn tuyển lao động địa phương vào làm việc. Nhưng nhiều năm nay chờ đợi, doanh nghiệp vẫn chưa đi vào hoạt động, ai còn khỏe thì chạy chợ, còn lại ngồi không ở nhà". Theo ông Đặng Huy Thân, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, việc tuyển lao động vào làm việc rất ít nên chưa đáp ứng được vấn đề giải quyết việc làm. Cụm công nghiệp thị trấn đã giải phóng mặt bằng được 6,2ha nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thuê đất mới đạt 51,3%. Trong số các dự án thuê đất chỉ có 3 doanh nghiệp đang hoạt động, 1 doanh nghiệp đang xây dựng nhà xưởng, 1 dự án đã có quyết định thu hồi đất, 1 dự án đang san lấp mặt bằng. Ngoài ra, còn 4 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa có quyết định thu hồi đất nông nghiệp.

Ở Phúc Thọ có một nghịch lý dễ nhận thấy, trong khi người dân mất đất sản xuất, thiếu việc làm thì một đại dự án (Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận) kỳ vọng sẽ thành "thiên đường" nhưng nhiều năm qua vẫn chỉ có vài hạng mục công trình nhỏ được đầu tư, còn lại là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm. Theo Quyết định số 1691/QĐ-UBND ngày 20-6-2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận do Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh làm chủ đầu tư có quy mô gần 250ha với mục đích kết hợp xây dựng nhà ở với việc phát triển kinh tế trang trại, du lịch sinh thái. Mặc dù triển khai từ năm ấy nhưng đến nay, việc san lấp mặt bằng ở đây vẫn "xôi đỗ", hạ tầng kỹ thuật mới xây dựng 30% và một vài căn biệt thự xây thô làm mẫu. Diện tích đất còn lại trở thành nơi… chăn thả trâu bò. Ông Phan Chí Trung, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh cho biết, trước đây, một phần diện tích đất khu vườn sinh thái quy hoạch nằm trong hành lang bảo vệ đê điều nên dự án không triển khai được. Ngày 7-10-2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, đây là cơ sở để Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh tiếp tục hoàn thiện thủ tục triển khai dự án. Tuy nhiên, theo ông Phan Chí Trung, khi thị trường bất động sản ấm lên thì công ty mới triển khai đầu tư xây dựng Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận. Như vậy, hơn 200ha đất ở đây vẫn tiếp tục bị bỏ hoang, trong khi lại có thông tin trên internet đang giao bán nhà đất tại khu vườn sinh thái này?

Trước tình trạng trên, đã nhiều lần người dân kiến nghị thành phố và huyện Phúc Thọ cần quyết liệt thu hồi đất đối với các dự án bỏ hoang lâu năm. Đây cũng là tâm tư chung của các quận, huyện, thị xã có đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án nhưng bỏ hoang lãng phí. Mặt khác, cần quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân phê duyệt những dự án vi phạm quy định của pháp luật… để xử lý nhằm giữ nghiêm kỷ cương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phúc Thọ: Nghịch lý hậu thu hồi đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.