Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lối ra” nào cho người nuôi bò sữa?

Khánh Vũ| 31/01/2015 06:40

(HNM) - Mùa đông là thời điểm người chăn nuôi bò sữa đứng ngồi không yên bởi đây là mùa có sản lượng sữa cao trong khi nhu cầu thu mua của các công ty sữa không tăng. Trong thời gian qua, giá sữa bò tươi đã giảm thê thảm, có hộ phải đem cho lợn ăn…


Theo ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội: Từ tháng 10-2014 tới nay, người nuôi bò sữa hoang mang, dao động vì sữa không bán được hết, giá giảm. Nông dân các xã Phù Đổng, Dương Hà (Gia Lâm) có lúc phải giảm giá từ khoảng 10.000 đến 12.500 đồng xuống còn 5.000 đồng/lít mà không có người mua, có hộ phải cho lợn ăn mà vẫn không xuể. Không chỉ ở Hà Nội, ở Lâm Đồng, người nông dân vì không được Công ty Đalat Milk mua sữa đã đem hàng tấn sữa đổ tràn trước cửa công ty. Người nuôi bò sữa ở Long An, Sóc Trăng cũng "sống dở, chết dở" vì sữa ế. Ông Bùi Tuấn Khải chua xót đặt câu hỏi: Vì sao sữa cung cấp cho người Việt Nam đang thiếu, sữa bột nhập khẩu tốn hàng tỷ đồng, giá các sản phẩm sữa cho trẻ em, người già… cao gấp 3-4 lần so với giá quốc tế, mà sữa bò tươi người nông dân đã đổ mồ hôi để sản xuất ra phải đổ đi một cách uổng phí?

Ngoài việc giá sữa tươi giảm, người nuôi bò sữa còn hoang mang vì không bán được sữa. Ảnh: Thái Hiền



Lý giải tình trạng sữa ế, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Trước tiên, do giá sữa bột nhập từ các nước Australia, New Zealand, Ba Lan giảm tới 52%. Nếu quy đổi ra sữa tươi, 1 lít sữa hoàn nguyên từ sữa bột có giá là 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mua sữa tươi của nông dân là 13.300 đồng - 14.000 đồng/kg. Với chênh lệch như vậy, doanh nghiệp chế biến sữa nhập khẩu sữa bột về hoàn nguyên để làm sữa chua, sữa tiệt trùng có lãi hơn. Nguyên nhân tiếp theo là mùa hè nông dân bán sữa ra thị trường tự do nhiều, mùa đông lại dồn bán cho các công ty sữa. Một số nông dân không ký hợp đồng bán sữa cho công ty từ đầu, nay ế sữa cũng đề nghị công ty mua. Ngoài ra, còn có thêm một nguyên nhân, đó là giá mua sữa được tính bình quân cả năm, không quy định rõ giá mua riêng cho mùa đông và mùa hè, nên không điều tiết được thị trường. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sữa đã tự tổ chức các trang trại nuôi bò với quy mô lớn hàng nghìn con như TH True Milk, Vinamilk, Hanoimilk…

Cần chính sách hỗ trợ

Tại cuộc tọa đàm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận: Đúng là có tình trạng người chăn nuôi bán sữa ra ngoài thị trường, khi không bán được thì lại đề nghị công ty sữa mua hết. Cả nông dân và các công ty sữa đều có thời điểm khó khăn và cần có chính sách hỗ trợ. Để vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hiệu quả, cần có chính sách quan tâm để hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm trung chuyển, thu gom, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đại diện HTX Dịch vụ Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đơn vị thu gom sữa, cho biết, mặc dù hiện tại các hộ chăn nuôi đã được thu mua hết lượng sữa đạt tiêu chuẩn với giá 12.200 đồng song phía doanh nghiệp vẫn khống chế lượng sữa mua vào (nếu quá 30% khối lượng thì giá mua sữa vượt quá sẽ bị trừ 200 đồng/kg và trừ tiền hoa hồng đối với trạm thu gom. Điều này khiến các trạm rất lúng túng khi thanh toán tiền mua sữa với người dân. HTX kiến nghị các doanh nghiệp không áp dụng chính sách giảm trừ này và sớm ký hợp đồng thu mua năm tiếp theo với người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp cần xem xét lại mức giá để không có mức chênh lệch quá lớn giữa các công ty.

Bên cạnh đó, đại diện của các hộ nông dân, các đơn vị trung chuyển, thu gom sữa đã nhất trí cao với kiến nghị chung: Cần sớm có quy định rõ ràng về nhãn mác, chỉ rõ đâu là sữa sản xuất từ sữa bột, đâu là từ sữa tươi. Có như vậy người tiêu dùng mới nhận biết được sản phẩm, giúp người nông dân đỡ thiệt thòi.

Về phía Hội Chăn nuôi Hà Nội, ông Bùi Văn Khải nhấn mạnh: Cần xây dựng chuỗi liên kết theo giá trị giữa người nuôi bò sữa, người cung ứng thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sữa theo hình thức hợp đồng liên kết kinh tế để cùng phân phối lợi nhuận tạo ra giữa các bên một cách hợp lý. Hợp đồng này phải được tôn trọng, qua đó tạo ra mối liên kết bền vững...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lối ra” nào cho người nuôi bò sữa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.