Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu "voi", đuôi… "chuột"

Bài, ảnh: Trung Nguyên| 23/04/2015 06:56

(HNM) - Năm 2009, UBND thành phố có Quyết định số 6048/ QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn (RAT) tại huyện Đan Phượng.

Cây cam Canh được trồng trên đất "rau sạch" ở xã Song Phượng.



Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và quy trình công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ trong sản xuất, bảo quản, tiêu thụ rau sạch; hình thành vùng sản xuất RAT tập trung, cung cấp khoảng 6.000 tấn rau, quả an toàn/năm cho nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô và xã hội; khai thác tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khu vực và nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất, bảo quản, tiêu thụ RAT, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động doanh nghiệp và nông dân vùng dự án. Dự án gồm các hạng mục xây dựng: Đường giao thông nội đồng; trạm bơm nước; mương cấp, thoát nước; trạm biến áp; bể lọc; nhà xưởng sơ chế rau, nhà quản lý, kho lạnh bảo quản; hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất..., được thực hiện trên địa bàn các xã Phương Đình, Đồng Tháp, Song Phượng với tổng diện tích sử dụng 760.304,42m2 đất… Tổng mức đầu tư của dự án là 47,482 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố (khoảng 15 tỷ đồng) và vốn tự huy động của chủ đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội).
Thực hiện chủ trương của thành phố, chủ đầu tư đã thông qua UBND huyện Đan Phượng triển khai đề án xin thuê đất tại xã Song Phượng để sản xuất RAT. Theo đó, Công ty này đã ký hợp đồng thuê gần 30.000m2 đất với các hộ dân từ năm 2011 đến 2015. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện dự án quá chậm, không hiệu quả. Ông Ngô Thế Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Song Phượng cho biết: Quá trình triển khai sản xuất, nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, việc thanh toán sản phẩm cho xã viên chậm so với hợp đồng. Đến năm 2014, Công ty đề nghị xã Song Phượng cho thanh lý hợp đồng thuê đất với các hộ dân, giao lại diện tích đất đã thuê cho các hộ tiếp tục sản xuất. Việc này đã gây bức xúc, mất lòng tin trong nhân dân vì quá trình thực hiện dự án, HTX cùng chính quyền địa phương đã phải đến từng hộ gia đình để vận động mới được các hộ đồng ý cho thuê đất. Nay đất bị trả lại, khó khăn lại dồn lên HTX Nông nghiệp bởi Đảng ủy, UBND xã Song Phượng giao HTX lên phương án sản xuất để đưa vào khai thác sử dụng, tránh bỏ hoang đất, bảo đảm nguồn thu, quyền lợi cho các hộ có đất cho thuê. HTX đã phối hợp với thôn rà soát diện tích, tổ chức họp bàn thống nhất phương án khắc phục và thuê lại toàn bộ diện tích đất của các hộ bị trả lại… Hiện tại, HTX Nông nghiệp Song Phượng đã đưa diện tích đất này vào sử dụng hiệu quả, ổn định bằng việc ký hợp đồng cho một số hộ dân thuê đất để trồng hoa ly, cam Canh...

Mặc dù đã thanh lý hợp đồng thuê đất trồng rau sạch từ năm 2014, nhưng Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn xin được thu hồi 5.742,3m2 đất trong khu vực để làm nhà sơ chế và đề nghị thuê lại diện tích hiện đang đặt nhà lưới (1.216m2). Theo Báo cáo số 20/BC-KT ngày 26-3-2015 của Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, Tổ công tác GPMB dự án RAT đã thực hiện trình tự GPMB, tổ chức họp dân công khai dự án, thông báo thu hồi đất và phổ biến chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB đến các hộ dân có đất bị thu hồi; kê khai và tổ chức điều tra hiện trạng, xác minh nguồn gốc đất, lập và niêm yết phương án dự thảo lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB; báo cáo Hội đồng Bồi thường và tái định cư huyện Đan Phượng thẩm định và công khai phương án… Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm, kể từ khi có quyết định thu hồi đất để làm nhà sơ chế, các hộ dân cũng đã nhất trí phương án bồi thường, nhưng việc thực hiện dự án vẫn nằm… trên giấy!?

Sự việc trên cho thấy, mặc dù mục tiêu của dự án "sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ RAT tại huyện Đan Phượng" có ý nghĩa lớn, hứa hẹn sẽ mang lại việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân… nhưng quá trình triển khai thực hiện lại quá chậm, không hiệu quả đã khiến người nông dân nơi đây lo lắng, mất niềm tin đối với dự án. Thiết nghĩ, dự án có được tiếp tục thực hiện nữa hay không, rất cần có câu trả lời sớm từ các sở, ngành và UBND thành phố, tránh để xảy ra tình trạng đất nông nghiệp ở Song Phượng lại bị bỏ hoang…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu "voi", đuôi… "chuột"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.