Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh Trì: Sắp cán đích “huyện nông thôn mới”

Lê Hoàn| 23/06/2015 06:20

(HNM) - Thành tựu nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Trì nhiệm kỳ 2010-2015 là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).



Với quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Thanh Trì trở thành huyện đứng thứ hai (sau Đan Phượng) về tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM (10/15 xã). Không chỉ hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng cho diện mạo nông thôn đổi mới mà thành công có ý nghĩa then chốt là đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân.

Cánh đồng xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) sau dồn điền đổi thửa.


Đích là nâng cao đời sống nhân dân


Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn cho biết, khi bắt tay vào xây dựng NTM theo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, huyện Thanh Trì xác định đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống người dân. Quan trọng hơn, việc thực hiện Chương trình 02 phải thật sự trở thành phong trào quần chúng rộng khắp với sự vào cuộc đầy đủ, quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là nhân dân - chủ thể thụ hưởng thành quả xây dựng NTM.

Với tinh thần quyết liệt, huyện đã chỉ đạo sát sao 15 xã hoàn thành công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng sản xuất, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và đời sống. Một trong những thành công quan trọng trong xây dựng NTM của Thanh Trì là huy động được mọi nguồn lực, đặc biệt là sức dân. Huyện đã phát huy và nhân rộng mô hình đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp cùng với mô hình "nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng, ngõ xóm" với tổng diện tích hiến đất 8.110m2 đất và 42.000 ngày công, trong đó có hộ dân ở xã Thanh Liệt hiến đất trị giá 1 tỷ đồng. Hay nhân dân xã Tứ Hiệp với mô hình kè và kê ghế đá xung quanh các ao hồ; trồng hoa dọc hai bên đường liên xã, thôn, tô đẹp hình ảnh nông thôn đổi mới.

Trong 5 năm, hơn 1.700 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước là 233 tỷ đồng) được huy động để đầu tư xây dựng NTM. Huyện đã tập trung xây dựng và hoàn chỉnh nhiều công trình quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sạch, trường học, chợ nông thôn, các thiết chế văn hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, với mức thu nhập 30 triệu đồng/người/năm (gấp 2 lần so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,8% xuống còn dưới 1%. Từ chỗ huyện chỉ có 3/15 xã đạt 14-15 tiêu chí, đến nay có 10/15 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành chỉ tiêu trước một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Để có kết quả đó, theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn là nhờ huyện đã vận dụng cơ chế, chính sách của thành phố một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế địa phương, tiết kiệm tối đa kinh phí nhưng lại có hiệu quả cao. Với đà này, Thanh Trì phấn đấu 5 xã còn lại sẽ hoàn thành, trở thành huyện NTM trong năm 2015.

Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả

Thăm và làm việc với huyện Thanh Trì về kết quả xây dựng NTM (cuối tháng 5 vừa qua), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá
cao mô hình trồng cây ăn quả có múi tại xã Vạn Phúc. Đây là địa phương đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng sau DĐĐT.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Vạn Phúc Đinh Quang Minh, sau DĐĐT, xã đã quy hoạch 101ha trồng cây ăn quả có múi (cam, quất, bưởi…). Hiện tại, xã đã thực hiện được 79ha, 22ha còn lại sẽ thực hiện trong năm nay. Do nhiều hộ dân trước đây từng trồng các loại cây có múi, nay cộng thêm sự hỗ trợ của huyện về giống, kỹ thuật, đầu tư giao thông nội đồng nên các hộ rất tin tưởng vào hiệu quả kinh tế. Sau hai năm, mô hình cho thấy triển vọng lớn, khả năng thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/ năm là chắc chắn. Còn tại xã Vĩnh Quỳnh, chỉ trong hơn 3 tháng đã hoàn thành dồn đổi hơn 144ha. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Đình Thuật cho biết, ngay sau DĐĐT (tháng 6-2013), xã đã thực hiện đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Năng suất lúa từ 55 tạ/ha tăng lên gần 69 tạ/ha năm 2015, trong đó diện tích sử dụng quy trình cơ giới hóa đạt 70-75 tạ/ha.

Ngoài hai xã trên, các xã còn lại đã hoàn thành DĐĐT, với tổng diện tích của toàn huyện là hơn 813ha (đạt 100% theo kế hoạch), không có đơn thư khiếu kiện. Ngay sau DĐĐT, huyện Thanh Trì đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế với tổng kinh phí hơn 23,6 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư 92 máy phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ngoài mô hình trồng cây ăn quả có múi, huyện vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung (tại các xã: Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai), vùng nuôi trồng thủy sản (xã Đông Mỹ, Đại Áng) và 38 mô hình kinh tế trang trại… Nhờ đó, giá trị sản xuất đạt 160 triệu đồng/ha/ năm, vượt 45 triệu đồng so với Nghị quyết Đại hội. Dẫu vẫn còn khó khăn về cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư, song trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng KHKT, nâng cao giá trị canh tác lên 210 triệu đồng/ha/năm.

5 năm qua, tại Thanh Trì, hơn 125km đường giao thông nông thôn được cải tạo, nâng cấp; 14 trường học được đầu tư xây dựng, nâng tổng số trường chuẩn của huyện lên 48 trường (đạt 75%); 46 nhà văn hóa được xây dựng mới, cải tạo bảo đảm làng nào cũng có nhà văn hóa; 15/15 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, dân chủ được mở rộng, an ninh chính trị, TTATXH được giữ vững.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì: Sắp cán đích “huyện nông thôn mới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.