Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phúc Thọ: Sức bật mới ở “vành đai xanh” của Thủ đô

Lê Hoàn| 31/07/2015 05:47

(HNM) - So sánh với các huyện của Thủ đô, 5 năm qua Phúc Thọ được đánh giá là địa phương năng động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu và có nhiều điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.


Còn đem so sánh với một Phúc Thọ 5 năm trước thì Phúc Thọ hôm nay đã có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành "vành đai xanh" của Thủ đô. Sự thay đổi không chỉ giúp cho bộ máy năng động, hiệu quả hơn mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Từ "tự ái cách mạng" đến bước chuyển mình

Phúc Thọ là một vùng quê yên bình của Thủ đô. Ngoài sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, Phúc Thọ có 60/88 làng có nghề truyền thống, trong đó 5 làng được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống". Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính vẫn từ nông nghiệp nên không có gì ngạc nhiên, thời điểm đầu nhiệm kỳ (năm 2010), trong khi nhiều huyện đã đạt mức thu nhập 17-20 triệu đồng/người/năm thì Phúc Thọ mới đạt 12,3 triệu đồng. Xuất phát điểm thấp, việc thu hút các nguồn lực gặp khó khăn nên những năm đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, trong một bộ phận cán bộ xuất hiện tư tưởng trông chờ thành phố đầu tư.

Còn nhớ, trong một cuộc họp vào tháng 9-2012, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội khi đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã thẳng thắn phê bình cán bộ huyện nhiều người còn ngại khó, trông chờ cấp trên, tiến độ triển khai chậm. Nghe những lời phê bình ấy, không ít cán bộ huyện rất tự ái. Song, cũng nhờ tinh thần "tự ái cách mạng" (nói như Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu, người khi đó vừa về huyện công tác được vài tháng) mà Phúc Thọ đã có sự đổi thay. Sau sự kiện đó, tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy họp, thể hiện quyết tâm, dù có khó khăn đến mấy cũng phải chỉ đạo thành công chương trình xây dựng NTM và dồn điền, đổi thửa.

Mô hình trồng hoa ly đã mang lại thu nhập cao cho một số hộ dân Phúc Thọ.


Bắt đầu từ việc yêu cầu từng xã rà soát, đánh giá các tiêu chí, mức độ, trên cơ sở đó Phúc Thọ đề ra lộ trình phấn đấu thực hiện cho từng xã. Muốn thành công thì cán bộ huyện phải sát sao "ba cùng" với cơ sở; cấp xã không được trông chờ huyện mà chủ động thực hiện; đặc biệt là phải huy động nhân dân tham gia. Cán bộ huyện, cán bộ xã và nhân dân phải là một khối thống nhất mới gỡ được cái khó, cái mắc - tinh thần đó được lan tỏa, ngấm sâu đến thôn làng, ngõ xóm. Có lẽ vì thế, cùng xây dựng NTM nhưng không phải huyện nào cũng tổ chức được ngày sinh hoạt cộng đồng hai lần mà ở đó người dân hồ hởi tìm hiểu về các tiêu chí xã NTM, người dân có lợi gì, cách làm ra sao rồi được bàn việc xây nhà văn hóa thế này, làm con đường kia ra sao như Phúc Thọ. Cùng là dồn điền, đổi thửa nhưng không phải địa phương nào cũng suôn sẻ, không có đơn thư phức tạp như Phúc Thọ cho dù lúc đầu rất khó khăn...

Thành quả sau hơn 4 năm lăn lộn, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách vào thực tiễn là 17/22 xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay, đạt hơn 77%. Phúc Thọ sẽ sớm trở thành huyện NTM. Trong niềm vui của xã điểm về đích sớm nhất, Bí thư Đảng ủy xã Võng Xuyên Khuất Văn Thảo tổng kết: Xây dựng NTM không chỉ giúp địa phương hình thành được cánh đồng mẫu lớn 200ha lúa chất lượng cao và mô hình hoa ly thu nhập cao mà còn gây dựng được nhiều phong trào trong cộng đồng dân cư như: Chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; hiến đất dồn điền, đổi thửa; 5 không 3 sạch và xây dựng văn hóa… làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.

Còn Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu quyết liệt theo đuổi quan điểm: Xây dựng NTM không chỉ lo cho dân con đường to, xây nhà cao mà quan trọng hơn là trong những ngôi nhà và trên những con đường ấy phải xây dựng được lớp người mới văn minh, ứng xử có văn hóa, sống nghĩa tình, bình an và hạnh phúc; những giá trị truyền thống tốt đẹp được phát huy, những tiến bộ của xã hội văn minh được tiếp thu tốt nhất; hệ thống chính trị vững mạnh hơn và cán bộ lãnh đạo của xã NTM phải đáp ứng về trình độ, tư duy, phương pháp công tác, đặc biệt là năng lực chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Thật vui vì những mong muốn đó đã, đang hiện hữu và hơn ai hết, nhân dân đang được thụ hưởng.

Đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

Cách đây khoảng 10 năm, Phúc Thọ đã kiên quyết làm một việc: Tháo bỏ chiếc giường cá nhân (dùng cho cán bộ nghỉ trưa) ra khỏi phòng làm việc để thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, một quyết tâm được Đảng bộ huyện nỗ lực thực hiện là đổi mới phong cách lãnh đạo, quản lý, điều hành và coi đây là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Sự đổi mới trước hết là trong cách thức ban hành văn bản lãnh đạo của cấp ủy. Trong các cuộc làm việc với Huyện ủy Phúc Thọ, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội từng ghi nhận, hệ thống nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch của Huyện ủy ban hành khá toàn diện trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện đã chú trọng chăm lo củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hoạt động của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, tiến bộ, theo hướng sâu sát, cụ thể, quyết liệt, chất lượng, hiệu quả.

Điểm nhấn của nhiệm kỳ qua là việc củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, với nhiều biện pháp như luân chuyển cán bộ; đề cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy; phân công Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách sát sao và chịu trách nhiệm về cơ sở mình được giao phụ trách. Đặc biệt, việc đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp phụ trách các đảng bộ yếu kém, khó khăn đã cho thấy tính tiên phong, gương mẫu, phong cách làm việc mới của người đứng đầu, tạo động lực, nâng cao trách nhiệm của cán bộ và cấp ủy các cấp. Việc chỉ đạo giải quyết thành công tình hình phức tạp về an ninh nông thôn tại xã Liên Hiệp là một ví dụ khẳng định hiệu quả của sự đổi mới.

Ngay từ giữa năm 2011, một số đối tượng quá khích đã kích động, lôi kéo một bộ phận nhân dân nhiều lần lên trụ sở cơ quan đảng, chính quyền xã Liên Hiệp và các dự án sản xuất ở địa phương gây rối, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, gây chia rẽ trong nhân dân; tổ chức chính trị cơ sở có thời điểm mất sức chiến đấu. Bằng nhiều biện pháp, giải pháp chỉ đạo quyết liệt, khoa học và hiệu quả của huyện, đến nay tình hình đã ổn định, nhân dân hăng hái tham gia sản xuất và xây dựng đời sống mới, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố, tăng cường. Đại hội Đảng bộ xã thành công tốt đẹp.

Phúc Thọ cũng là đơn vị đầu tiên của thành phố tổ chức thành công các buổi đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Huyện ủy với đại diện các tầng lớp nhân dân. Huyện ủy cũng chỉ đạo 23/23 bí thư đảng ủy xã, thị trấn đối thoại với đại diện nhân dân địa phương. Hàng trăm vấn đề nhân dân bức xúc, băn khoăn, thắc mắc, phản ánh được người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lắng nghe, tiếp thu, giải đáp và có hướng xử lý, khắc phục. Người dân thấy mình thực sự được phát huy quyền làm chủ, còn cán bộ hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng, các vấn đề trong dân để từ đó có sự điều chỉnh chính sách và cách làm cho phù hợp với thực tiễn. Cách chủ động đối thoại của người đứng đầu cấp ủy huyện và cơ sở với dân mà Đảng bộ huyện Phúc Thọ mạnh dạn làm đã tạo được hiệu ứng tốt trong nhân dân, từ đó tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Sâu xa hơn, đối thoại chủ động giúp cấp ủy, chính quyền tránh được những cuộc đối thoại "bắt buộc", "thụ động" để giải quyết tình huống khi vấn đề đã trở nên phức tạp. Đơn cử như, qua đối thoại, các hộ dân ở xã Tích Giang phản ánh, đoạn đường 32 bị 30 hộ dân lấn chiếm hàng chục năm nay, xây nhà kiên cố để ở và bán hàng. Thường trực Huyện ủy chỉ đạo thành lập tổ công tác, vận động các hộ tự giác tháo dỡ công trình. Trước khi dùng đến biện pháp cưỡng chế, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND huyện đã gặp gỡ, đối thoại với dân, chỉ rõ cái sai của các hộ và đưa ra biện pháp xử lý thấu tình đạt lý. Kết quả, huyện đã xử lý xong 30 trường hợp vi phạm, không có trường hợp nào chống đối, được nhân dân hết sức đồng tình, đánh giá cao.

Phúc Thọ hôm nay, bên cạnh những làng nghề sôi động, đã xuất hiện nhiều cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh những sản phẩm từ len, những thú nhồi bông dễ thương còn có những sản vật quý như lúa chất lượng cao, hoa hồng, hoa ly, chuối tiêu hồng, rau trái vụ, rau an toàn gắn với thương hiệu "Phúc Thọ". Còn nhiều dự án nữa đang ấp ủ, sẽ sớm triển khai trong giai đoạn 2015-2020, để Phúc Thọ thực sự trở thành "vành đai xanh" của Thủ đô.

Con số tiêu biểu của nhiệm kỳ 2010-2015

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,8%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp chung đạt 250 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 phấn đấu đạt 28 triệu đồng/năm, tăng 2,3 lần so với năm 2010.

- Hoàn thành và đã được thành phố phê duyệt các quy hoạch bao gồm: Quy hoạch chung vùng huyện; Quy hoạch thị trấn sinh thái, là một trong 3 thị trấn sinh thái của cả nước; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tại 22/22 xã. 
- Thực hiện dồn điền, đổi thửa 3.708ha đất nông nghiệp, bằng 100,6% kế hoạch thành phố giao. Đến hết năm 2014, có 10 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM; dự kiến kết thúc năm 2015 có thêm 7 xã được công nhận và đầu năm 2016 hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện NTM. 

- 34/72 trường đạt trường chuẩn quốc gia, dự kiến năm 2015 có thêm 4 trường, từ đầu nhiệm kỳ đến nay tăng 20 trường; số hộ nghèo giảm mạnh, năm 2010 có 4.711 hộ nghèo (11,9%), đến năm 2014 còn 1.110 hộ nghèo (2,41%).

- Trong nhiệm kỳ đã luân chuyển, điều động 78 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, trong đó có 33 đồng chí là cán bộ nữ, cán bộ dưới 40 tuổi; 16 đồng chí luân chuyển, điều động giữa huyện và các xã, thị trấn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ: Sức bật mới ở “vành đai xanh” của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.