Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phạt tiền hay phạt tù sao cho thấu tình đạt lý

Hồ Bách| 27/02/2015 06:35

(HNM) - Sau khi thăm dò ý kiến của các cơ quan liên quan, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi mới nhất - công bố đầu năm 2015 - đã hướng tới mục tiêu giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính cùng một số tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng trong lĩnh vực khác.



Việc nghiên cứu thay đổi tại thời điểm này được cho là khá kịp thời. Bởi lẽ, theo tinh thần Nghị quyết 49 NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, phải đề cao việc phòng ngừa và xử lý người phạm tội theo tính hướng thiện, chỉ những tội cần thiết mới đưa vào tù, cách ly khỏi xã hội.

Để hình thức phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính, đồng thời khắc phục "bệnh" chây ỳ nộp tiền đã diễn ra bấy lâu nay, Ban soạn thảo mở rộng hơn phạm vi áp dụng đối với các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm về kinh tế, chức vụ, môi trường. Điều kiện để áp dụng là trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng... Đáng lưu ý nữa, hình phạt này còn được cân nhắc với loại tội phạm “nghiêm trọng” (cao nhất 7 năm tù) thay vì chỉ áp dụng với loại tội phạm “ít nghiêm trọng” (cao nhất 3 năm tù) như luật hiện hành. Thời gian áp dụng hình phạt tiền phải được nêu rõ để người phạm tội chấp hành. Nếu hết thời hạn mà người phạm tội không nộp tiền sẽ chuyển thành hình phạt tù.

Tuy nhiên, về vấn đề này, dư luận còn không ít băn khoăn. Câu hỏi đang được đặt ra là, nếu cần chuyển từ phạt tiền sang phạt tù thì sẽ tính dựa trên tiêu chí nào, ngày công lao động hay tiền lương tối thiểu; cách hoán chuyển cụ thể ra sao... Những vấn đề này vì sao vẫn chưa được làm rõ ngay trong dự thảo? Trong khi đó, thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều người trước khi phạm tội ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức hạn chế, không có công ăn việc làm ổn định, điều kiện kinh tế của gia đình hết sức khó khăn. Cùng một hành vi, nguyên nhân phạm tội cũng phải được phân định rạch ròi để có cách giải quyết vừa hợp lý vừa hợp tình. Ví dụ, với tội vô ý gây tai nạn giao thông làm chết người thì điều quan trọng là làm sao khắc phục được hậu quả, giúp đỡ gia đình nạn nhân, chứ không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tù. Nhưng riêng với những trường hợp sau khi lỡ đâm vào người khác lại cố tình lùi xe để làm nạn nhân chết hẳn, xóa bỏ dấu vết thì nhất thiết phải phạt tù. Với chừng ấy lý do, việc sửa đổi luật cần có tầm nhìn dài hạn, nêu rõ tiêu chí từng loại tội danh, mức độ phạm tội với tinh thần chỉ với nhóm để ngoài xã hội mà không có nguy cơ phạm tội nữa thì có thể phạt tiền, còn không thì nhất định phải phạt tù. Càng không thể khuyến khích phạt tiền như một chế tài được lựa chọn: Hoặc phạt tiền hoặc phạt tù vì dễ dẫn đến nhận thức sai lệch là có tiền thì "thoát" tội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạt tiền hay phạt tù sao cho thấu tình đạt lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.