Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trầm mặc, lộng lẫy Luang Prabang

TUANPHONG| 19/11/2009 07:36

(HNM) - Từ Hà Nội, chưa đầy 1 giờ ngồi trên máy bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) là ta đã có mặt tại Luang Prabang. Đến với Luang Prabang nói riêng hay với đất nước Lào nói chung, người Việt không có cảm giác là mình đã xuất ngoại, mà chỉ thấy như đi đâu đó, thậm chí gần hơn cả Hải Phòng, Lạng Sơn…. Có được điều đó dường như là do sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về khí hậu và thái độ nồng nhiệt, chân tình, cởi mở của lòng người.

(HNM) - Từ Hà Nội, chưa đầy 1 giờ ngồi trên máy bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) là ta đã có mặt tại Luang Prabang. Đến với Luang Prabang nói riêng hay với đất nước Lào nói chung, người Việt không có cảm giác là mình đã xuất ngoại, mà chỉ thấy như đi đâu đó, thậm chí gần hơn cả Hải Phòng, Lạng Sơn…. Có được điều đó dường như là do sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về khí hậu và thái độ nồng nhiệt, chân tình, cởi mở của lòng người.

Ở đất nước Phật giáo là quốc đạo


Luang Prabang nằm ở phía Bắc Trung Lào, là kinh đô của Vương quốc Lan Xang (Triệu Voi) từ năm 1346. Trước năm 1975, Luang Prabang là thủ đô của Vương quốc Lào, nhưng nay là một tỉnh lỵ cách thủ đô Viêng Chăn hơn 400 cây số. Nằm trong một thung lũng nên thơ được bao bọc bởi sông Mê Công và sông Nậm Khan, xa hơn nữa, bốn bề của thung lũng đều được núi non trùng điệp bao phủ, địa thế đó như tạo ra cho Luang Prabang những nét riêng, thoát khỏi sự ồn ào, xô bồ thường ngày.

Dòng Nậm Khan và sông Mê Công như dải lụa bao quanh
Luang Prabang.

Bắt đầu một ngày mới, khi nhiều khách du lịch còn đang đắm chìm trong những giấc ngủ sâu hoặc bận bịu với việc lựa chọn đồ ăn sáng trong khách sạn, thì ngoài phố, nghi lễ khất thực đang lặng lẽ diễn ra. Trang nghiêm, êm ả, thanh bình. Từ 5 giờ 30 sáng, khi những tia nắng ban mai trải xuống thung lũng Luang Prabang bắt đầu từ ngã ba sông, nơi nước sông Nậm Khan hòa vào nước sông Mê Công để tiếp tục hành trình về phía biển Đông, thì ở phố chính Sisavang Vong và những con phố nhỏ hơn quanh đó, người dân đã và đang trải chiếu và quỳ trên vỉa hè, sắp xếp đồ lễ. Buổi lễ khất thực bắt đầu khi từng đoàn nhà sư đi thành hàng dài ra khỏi những ngôi chùa cổ, vai khoác thố, ánh mắt ưu tư vời vợi, bước chân trần chậm rãi, lặng lẽ quanh các phố để nhận đồ dâng lễ của người dân, gồm đồ ăn chín, bánh trái và hương hoa.

Mỗi ngôi chùa ở Luang Prabang thường chỉ có từ hai đến ba nhà sư, còn lại là các sư trẻ đủ mọi lứa tuổi, những người này vào chùa là để tu luyện tâm tính trong một khoảng thời gian. Có người sau này cả đời gắn với nhà chùa, nhưng có người chỉ đi tu một vài tháng rồi làm lễ "ra chùa", trở về với cuộc sống đời thường. Hình ảnh những đoàn nhà sư lặng lẽ khất thực trong màu áo cà sa vàng rực đã trở thành biểu tượng của cố đô Luang Prabang. Ngày nào cũng vậy, với người dân ở đây, khất thực là công việc không thể thiếu trong đời sống. Còn đối với du khách, những gì tận mắt chứng kiến thật đẹp đẽ, linh thiêng, huyền ảo như chỉ có trong những giấc mơ.

Luang Prabang có 36 ngôi chùa cổ được xây dựng trong nhiều triều đại khác nhau. Tại đất nước Phật giáo là quốc đạo, những ngôi chùa cổ ở Luang Prabang được xây dựng ở khắp mọi nơi. Có cảm giác như con phố nào cũng có ít nhất một ngôi chùa. Dù mang những dáng dấp kiến trúc riêng nhưng du khách đều rất dễ nhận ra các ngôi chùa ở Luang Prabang bởi những mái cong vút, óng một màu vàng giữa nền trời xanh biếc mà nếu đến gần thì không khỏi ngạc nhiên bởi những đường nét chạm trổ tinh xảo. Nếu như chùa (Wat) Phra Bat Nua nổi bật bởi bức tường có dát vàng thật ngay mặt ngoài, thì chùa Mai lại có bức tượng Phật Phạ Bang đồ sộ đặt uy nghi ngay nơi chính điện. Chùa Xieng Thong nằm sát mé sông Mê Công với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống của Lào, mái cong kéo xuống gần mặt đất, được xây từ năm 1560, có bức tranh tường bằng nghệ thuật ghép mảnh trong kiến trúc (nghệ thuật Mosaic) kể lại tích nhà Phật. Trong khuôn viên chùa Xieng Thong còn có một am nhỏ, đặt bức tượng đồng đen rất nặng. Tương truyền khi khách đến chùa Xieng Thong cầu nguyện, nếu bê bức tượng dâng lên cao một cách nhẹ nhàng thì lời cầu nguyện sẽ trở thành hiện thực. Chùa Aham nằm liền kề bên chùa Wisunarat, gần tới mức dường như không có ranh giới. Từ chùa bên này bước sang chùa bên kia chỉ cách nhau một chiếc cổng nhỏ đã nghiêng nghiêng vì thời gian và mưa nắng. Còn ngôi chùa Wisunarat nằm trên con đường mang chính tên ngôi chùa được xây dựng năm 1513 là công trình có tuổi đời cổ nhất ở Luang Prabang…

Những ngôi chùa ở Luang Prabang có một điểm rất chung là hầu như khuôn viên không có tường hay hàng rào bao bọc tạo ra sự cách biệt, nên người ta có cảm tưởng đạo giáo rất gần gũi với cuộc sống đời thường.

Sự thanh bình hiển hiện khắp mọi nơi

Người Luang Prabang nói, nếu chưa đến Phou Si coi như chưa đến Luang Prabang. Phou Si là một quả đồi cao ngót một trăm mét, từ chân đồi tới đỉnh là 329 bậc thang xây thoai thoải. Sát hai bên lối đi là hàng trăm gốc chăm pa cổ thụ vốn là loại cây đặc trưng cho đất nước này, hương ngan ngát làm cho du khách có cảm tưởng như đang đi trên con đường dẫn tới chốn bồng lai tiên cảnh. Ở đỉnh đồi Phou Si là tháp Chom Si uy nghiêm, kế bên là gian thờ Phật. Từ đây nhìn xuống, Luang Prabang thật yên bình, nơi nào tầm mắt cũng bắt gặp ngút ngàn một sắc xanh mướt của núi rừng, điểm xuyết cho bức tranh ấy là màu vàng óng của đền chùa, màu đỏ lô nhô của những mái nhà dân, màu nâu sậm nặng trĩu phù sa của dòng Mê Công và nhánh Nậm Khan đang hững hờ uốn mình như dải lụa ôm quanh mảnh đất cố đô cổ kính… Tất cả như một bức tranh nhuốm màu huyền thoại. Chả thế mà cứ cuối chiều du khách lại đổ về đỉnh đồi Phou Si để thả hồn ngắm cảnh hoàng hôn. Mặt trời đỏ lừ từ từ lặn xuống, vương những tia nắng yếu ớt trải dài bên rặng Phou Thao (núi Chàng) và rặng Phou Nang (núi Nàng) phía xa xa vốn gắn với sự tích của một câu chuyện tình lãng mạn, rồi dát một lớp bạc mỏng, óng ánh như pha lê xuống dòng Mê Công và nhánh Nậm Khan.

Khi Luang Prabang sáng ánh đèn đêm thì mảnh đất cố đô cũng không giảm đi vẻ trầm mặc. Ở Luang Prabang có rải rác khoảng 600 ngôi nhà gỗ xây từ cổ xưa theo truyền thống của người Lào. Bên ánh sáng vừa đủ hắt ra từ những ngọn đèn điện, trên các con phố, du khách dễ dàng bắt gặp những ngọn nến lung linh đặt trên các bàn nhỏ trong quán xá, hay ánh lửa bập bùng ngay trước cửa nhà của những hộ dân bên đường đang chuẩn bị bữa ăn tối. Luang Prabang có cấu trúc đô thị khá đặc biệt. Trung tâm các con phố thường là những ngôi chùa, quần tụ xung quanh là nhà dân, xen kẽ bên những con đường và các khoảng trống cây cối xum xuê. Dân số ở đây chỉ vào khoảng gần 30.000 người, tính ra trung bình mỗi hộ dân sở hữu khoảng trên một héc-ta đất. Cũng có lẽ vì thế mà nhà cửa của dân hay trụ sở các cơ quan hành chính thường xây 2 tầng, số ngôi nhà cao 3 tầng trên mỗi con phố chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Quy hoạch được làm khá tốt, nên du khách cảm nhận rõ sự đồng bộ, hài hòa về cảnh quan chung, không khấp khểnh, lổn nhổn. Và đứng từ bất kể đâu, cũng có thể quan sát thấy những mái chùa cong vút, uy nghi. Cuộc sống đô thị với những nét hiện đại không làm mất đi vẻ hoang sơ, giản dị của thiên nhiên. Sạch, xanh, trong lành, yên tĩnh là điều mà ai đã một lần có mặt ở Luang Prabang không thể không cảm nhận.

Chợ đêm ở Luang Prabang họp từ chập tối tới 22 giờ, ngay trên đường Sisavang Vong, con phố một đầu nối với chùa Xieng Thong (chùa Vàng) và đầu kia là Hoàng cung của cố đô Lào. Sản phẩm bày bán ở chợ chủ yếu là đồ lưu niệm, thổ cẩm, trang sức bằng bạc, những chiếc giỏ nho nhỏ đan bằng mây, rất tinh xảo, người Lào vẫn thường đựng xôi trong bữa ăn… Chợ đẹp, gọn, sạch và đông đúc người bán, người mua nhưng không thấy sự ồn ào, ít lời chào mời như ở Việt Nam. Các cô gái người Mông bán hàng trong từng ki-ốt nhỏ được dựng lên bằng những khung sắt cơ động tương tự như chợ đêm Đồng Xuân của Hà Nội vậy. Nhưng sự khác biệt là họ vừa bán hàng vừa nhẩn nha đan lát, thêu thùa, không thấy ai chèo kéo hay cãi cọ. Người ta đi chợ cũng nhẹ nhàng, e ấp như sợ làm mất đi vẻ cổ kính chủ đạo ở đây.

Gần cuối đường Sisavang Vong, rẽ theo phố Chao FaNgum là khu ẩm thực nằm sát bờ sông thơ mộng, mộc mạc. Ở đây có thể dễ dàng ngồi uống cà phê, nước hoa quả và có rất nhiều dừa tươi bày bán. Về đồ nhậu, nhiều nhất là các món được chế biến theo kiểu truyền thống địa phương gồm thịt gà, thịt lợn và cá sông Mê Công nướng lên thơm phức. Lấy thêm chai bia Lào, đậm đà và mát lạnh là du khách có thể ngồi nhâm nhi cuộc sống theo cách của chính những người dân ở đây: chậm rãi, thong dong, bình lặng. Chả riêng khu phố ẩm thực này, ở Luang Prabang có khá nhiều hàng ăn nằm sát sông, khiến du khách khó có thể phai mờ ấn tượng…

Buổi sáng tôi đã từng điềm tĩnh thả bộ trên phố Sisavang Vong, cái chợ đêm hôm trước được thu dọn không còn vết tích, con phố lại tinh tươm trong ngày mới. Nhưng từ những ngách nhỏ trên phố, đi sâu vào là một chợ lớn, họp cũng theo kiểu chợ cóc ở Hà Nội. Nhưng so sánh thì điểm dễ thấy là sạch, gọn, không ồn ào. Rau quả, thực phẩm bày bán rất giống với Việt Nam. Nhưng dạo qua những đoạn chợ bày bán thủy sản hay gia cầm thấy rất thiếu cái mùi… chợ ẩm thấp và khó tả, vốn không thể thiếu trong các khu chợ của chúng ta.

Trong các điểm tham quan ở Luang Prabang, du khách không thể bỏ qua Viện Bảo tàng Quốc gia nằm ngay trên trục phố chính vốn trước đây là Cung điện Hoàng gia. Lối vào Hoàng cung là hai hàng thốt nốt cao vút, hiên ngang. Công trình này đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp, hiện đại và tinh tế. Tại đây còn lưu giữ bức tượng Phật Prabang - một báu vật trấn quốc của người Lào. Tượng đúc bằng vàng thật, nặng 48kg, cao gần 1m. Phía ngoài Hoàng cung là vườn thượng uyển với bạt ngàn cây lạ, hoa quý, ong bướm dập dìu. Tượng vua Sisavang Vong ở bên phải bằng đồng uy nghi trầm mặc. Bên trái là mái chùa lộng lẫy, thềm lát đá cẩm thạch trắng, mát lạnh giữa nắng trưa.

Cách trung tâm Luang Prabang khoảng 30km về phía nam là thác Khuangsi. Con đường dẫn đến danh thắng này xuyên qua những rừng gỗ tếch (thứ gỗ quý đặc trưng nhất của Lào) thẳng đứng, lá to xanh ngắt, vươn mình kiêu hãnh, trải dài miên man tới sát sườn núi. Mùa này, cây tếch đang ra những chùm hoa ngà vàng ở đầu cành, rung rinh trong gió. Thấp thoáng bên rừng cây là các bản làng với những mái nhà gỗ nép mình khiêm tốn. Bản Thapene nằm ngay nơi vào thác Khuangsi, ngược trở ra là bản Ou, Muang Khay hay Thinkeo, Thin Som. Du khách trên đường tới thác thường đi qua bản Lackpaid, bản Naxao, Napho và nhiều người dừng chân ở bản Naouane, bản "du lịch" nhất trong gần chục bản làng văn hóa ở phía nam cố đô Luang Prabang… Thác Khuangsi nằm trong khuôn viên khu bảo tồn quốc gia. Người ta gọi nơi này là mắt ngọc bởi dòng nước xanh biếc đổ từ trên núi xuống. Nếu không thích cùng đàn voi đủng đỉnh dạo trong khu rừng tếch, nghe tiếng thác nước ào ào tuôn chảy bài ca muôn thuở, bạn có thể đi thuyền xuôi dòng Mê Công, đến thăm động Pak Ou (cửa sông Nậm U) với hàng ngàn bức tượng Phật đủ hình dáng, kích cỡ. Người ta kể, những năm tháng chiến tranh, tượng trong các chùa ở Luang Prabang đều được sơ tán về đây…

Chỉ một thời gian ngắn có mặt ở Luang Prabang, có thể những hiểu biết, những chỗ tôi đã có mặt còn rất hạn chế so với những giá trị mà mảnh đất cố đô này đang sở hữu. Vậy nhưng ấn tượng về sự thanh bình, trầm mặc, ưu tư mà đầy tráng lệ và lộng lẫy của Luang Prabang cùng những nụ cười hiền hậu, chân tình của người dân nơi đây thì có lẽ không bao giờ tôi có thể quên. "Khobchay! Sabaydee Luang Prabang!" (Xin chào! Cảm ơn Luang Prabang).

Tháng 11 năm 2009


Ghi chép của HOÀNG THU VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm mặc, lộng lẫy Luang Prabang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.