Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Luôn giữ vững định hướng

Hà Trang| 09/01/2011 06:33

(HNM) - Cuối năm 1990, khi Hà Nội và cả nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội thì sóng gió do những biến động to lớn, hết sức phức tạp về chính trị từ bên ngoài ập tới.

Chủ nghĩa đế quốc thực hiện nhiều thủ đoạn diễn biến hòa bình, cộng với những sai lầm trong cải tổ, cải cách của Liên Xô và một số nước XHCN ở Đông Âu đã dẫn tới sự khủng hoảng chính trị, kinh tế nghiêm trọng, không thể cứu vãn nổi ở các nước này. Sau khi công phá thành trì XHCN, các thế lực thù dịch chuyển "thước ngắm" sang Việt Nam và tâm điểm là Thủ đô Hà Nội.

Sóng gió bên ngoài, yếu kém bên trong

Lúc này, nước CHXHCN Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội là trọng điểm tấn công phá hoại của đế quốc và các thế lực thù địch. Lợi dụng Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới, chúng đẩy mạnh hoạt động phá hoại nhiều mặt, cài cắm gián điệp, tình báo, móc nối với bọn phản động trong nước, tập trung đả kích, xuyên tạc cho rằng Đảng ta không mạnh dạn cải cách, hạn chế dân chủ; đề cao và cổ vũ những người bất mãn chống đối Đảng và Nhà nước ta. Tình hình quốc tế và trong nước nói trên đã tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Hà Nội những năm đầu đổi mới. Ảnh: Vũ Tín

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, tình hình khi đó rất phức tạp, đan xen giữa tích cực và tiêu cực, giữa phấn khởi tin tưởng và bi quan, hoài nghi. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân tha thiết với CNXH, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, hăng hái, tích cực đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống, tuy nhiên, còn không ít người băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn gay gắt về kinh tế - xã hội, bất bình trước những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội. Một số người có biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; đã xuất hiện tư tưởng muốn rập khuôn kinh nghiệm cải tổ, cải cách của nước ngoài, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi dân chủ công khai một cách cực đoan, chủ trương xóa bỏ định hướng XHCN trong phát triển kinh tế, muốn chuyển nhanh sang cơ chế thị trường tự do, tư nhân hóa hoàn toàn nền kinh tế.

Tại Hà Nội, sau khi thực hiện chủ trương của Thành ủy về sắp xếp tinh gọn và ổn định lại tổ chức bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng nhìn chung trong chỉ đạo, điều hành còn lúng túng, sự phân công, phân nhiệm chưa rõ ràng, hiệu lực quản lý của bộ máy mới còn hạn chế. Các ban Đảng được tổ chức lại, gọn hơn, nhưng việc sắp xếp cán bộ, sửa đổi cách làm việc chưa tốt; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở nhiều cơ sở còn yếu, đảng viên chưa phát huy được tính tiên phong, gương mẫu và vai trò hạt nhân lãnh đạo. Trên 50% cơ sở xã, phường, tổ chức Đảng phát huy tác dụng không rõ, một số nơi xảy ra tranh chấp đất đai gay gắt.

Cuối năm 1989, khi Nhà nước bắt đầu tăng giá vật tư, điện, cước vận tải... theo chủ trương tính đủ đầu vào, giá thành nhiều sản phẩm tăng cao, không tiêu thụ được. Nhiều cơ sở sản xuất bị đình đốn, khoảng 30 nghìn lao động phải nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ hẳn, nhiều người phải nhao ra thị trường "buôn thúng, bán mẹt", làm đủ việc để kiếm sống... khiến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thêm phức tạp.

Vững tay chèo

Từ ngày 15 đến 24-8-1989, Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng họp tại TP Hồ Chí Minh, đã bàn và ra nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay". Những tháng cuối năm 1989, cùng với việc đẩy mạnh các mặt hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm, Đảng bộ Hà Nội đã tổ chức quán triệt NQ TƯ 7 đến cán bộ chủ chốt các cấp để thống nhất về nhận thức, tư tưởng.

Chúng tôi đã gặp một số bí thư chi bộ cơ sở ngày đó, các đồng chí cho biết, khi sinh hoạt chi bộ, theo hướng dẫn của TƯ và Thành ủy, các đảng viên phân tích, làm rõ bản chất, âm mưu thâm độc của chủ nghĩa tư bản, nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Khẳng định bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì mục tiêu, lý tưởng XHCN. Phân tích, rút kinh nghiệm những vấp váp, sai lầm trong cải cách, cải tổ của Liên Xô và các nước XHCN, khẳng định Việt Nam tiếp tục công cuộc đổi mới, nhưng đổi mới có nguyên tắc, trong đó tập trung đổi mới kinh tế, đồng thời đổi mới từng bước tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức trong bộ máy chính trị; kiên định nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Ngày 26-6-1990, Ban Thường vụ Thành ủy ra Chỉ thị 19 nhằm tiếp tục thực hiện NQ 04 của Bộ Chính trị, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, tăng cường mối quan hệ với quần chúng. Rút kinh nghiệm các cuộc vận động xây dựng Đảng trước đây, lần này, Ban Thường vụ đề ra phương châm chỉ đạo "Chặt chẽ, thận trọng, kiên quyết, tỉ mỉ, tiến hành đến đâu chắc đến đấy, tránh làm ồ ạt, chủ quan". Công tác tư tưởng phải bám sát tình hình thực tiễn, góp phần phát hiện và giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thành phố, tạo không khí đoàn kết, nhất trí, dân và Đảng một lòng, giữ vững ổn định chính trị, đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc công cuộc đổi mới, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ Đảng với nhân dân. Từng tổ chức Đảng, nhất là cấp lãnh đạo và các tổ chức cơ sở Đảng cần đấu tranh chống những biểu hiện hữu khuynh, nể nang, không tự phát hiện những đảng viên sai phạm, thấy tiêu cực ngoài xã hội làm ngơ, né tránh, cơ hội, thấy quan điểm trái với quan điểm của Đảng nhưng không đấu tranh, phản bác kịp thời.

Để làm tốt công tác chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 4.206 đảng viên có vi phạm, trong đó khiển trách 669 người, cảnh cáo 589, cách chức 86, khai trừ 207, xóa tên 323... Nội dung sai phạm chủ yếu là lấn chiếm ruộng đất, nợ tín dụng quá hạn, bỏ sinh hoạt đảng, tham ô, làm giàu bất chính, cố ý làm trái gây thất thoát tài sản của Nhà nước, của tập thể, vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình... Trong sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình được tiến hành thẳng thắn, có lý, có tình, giúp cho đảng viên thấy rõ mặt mạnh, yếu của mình. Nhiều đảng viên tự giác nhận khuyết điểm, đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa như trả lại ruộng đất lấn chiếm, trả nợ thuế, quỹ công, nợ tín dụng... kết quả là đã thu hồi được hàng nghìn tấn thóc, gần 6 tỷ đồng nợ tín dụng và hàng chục hécta đất. Cùng với sự chuyển biến bước đầu về chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng, nhất là chi bộ được củng cố, nền nếp sinh hoạt và tính chiến đấu được nâng lên, nhiều tổ chức Đảng đã sắp xếp lại chi bộ, bổ sung các đồng chí có năng lực tham gia cấp ủy, thay thế những bí thư chi bộ yếu kém.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, mạnh dạn đổi mới tư duy, phong cách làm việc, tổ chức cán bộ, với quyết tâm xóa bỏ quan liêu, bao cấp. Thành ủy, UBND TP đã chủ động thử nghiệm các mô hình tổ chức, quản lý kinh tế, từng bước điều chỉnh tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; coi trọng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh, xử lý công khai, nghiêm minh sai phạm. Chính vì vậy, tuy bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, không thuận, nhưng Thủ đô Hà Nội vẫn vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong chặng đường đầu của công cuộc đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Luôn giữ vững định hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.