Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng sông và ánh sáng

Nguyễn Trọng Hùng| 11/01/2011 06:49

(HNM) - Có một dòng sông chảy giữa lòng Việt Bắc. Những tháng năm trước cách mạng và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã nhiều lần qua lại đôi bờ sông. Và có thể nói, Bác đã đi dọc chiều dài con sông này. Con sông đó mang tên hết sức bình dị: Phó Đáy (tên chữ là Để Giang).

Dòng sông và những tuyệt phẩm thơ Bác

Trên dòng sông ấy, mới đây (3-10-2010), tại Làng Lè, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã khởi công xây dựng Công trình Thủy điện Hùng Lợi. Công trình là sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hướng tới Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh và Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ánh sáng của cách mạng và Bác Hồ nay đã thành ánh sáng hiện thực xóa tối tăm, đói nghèo...

Quang cảnh lễ khởi công Thủy điện Hùng Lợi.

Sông Phó Đáy bắt nguồn từ dãy núi Phia Bióc, Lũng Luông cao trên 1.100m thuộc huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Phó Đáy là phụ lưu lớn thứ hai của sông Lô sau sông Gâm. Chiều dài sông khoảng 170km, chảy qua địa phận các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc rồi đổ vào sông Lô ở TP Việt Trì (Phú Thọ) với lưu vực khoảng 1.610km2. Vào Tuyên Quang ở xã Trung Minh, sang Hùng Lợi rồi mải miết chảy qua nhiều xã thuộc Yên Sơn và Sơn Dương tổng cộng dài hơn 84km, mà mỗi tên đất, tên làng bên sông còn lưu giữ biết bao dấu tích của Thủ đô Cách mạng và kháng chiến: Trung Minh, Hùng Lợi, Trung Sơn, Kim Quan, Trung Yên, Minh Thanh, Tân Trào, Bình Yên... Theo lời kể của nhiều nhân chứng lịch sử, từ Pắc Bó (Cao Bằng) về đến Bắc Kạn, Bác cứ men theo sông Phó Đáy mà về Tuyên Quang. Đầu mùa hạ, những cơn mưa rừng bất chợt thường ào ạt gây lũ cho dòng sông. Đồng bào các địa phương đã chuẩn bị sẵn những chiếc mảng ngóc, chọn những tay chèo giỏi đón Bác và đoàn cán bộ. Ngày 21-5-1945, vượt sông đến Tân Trào, nhìn dòng lũ dữ, cán bộ trong đoàn ngần ngừ, lo lắng... Bác nói: Phải qua sông, không chậm trễ. Chờ đợi sẽ lỡ thời vận đang vùn vụt trôi đi như dòng nước lũ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác có gần 6 năm ở Tuyên Quang, 18 lần di chuyển qua 11 địa điểm, chủ yếu là vùng thượng lưu sông Phó Đáy. Hầu hết lán hay nhà Bác ở dựng bên bờ sông hoặc bờ suối gần sông.

Bên dòng Phó Đáy, Bác đã viết Thơ chúc mừng năm mới các năm: Mậu Tý 1948, Kỷ Sửu 1949, Canh Dần 1950, Nhâm Thìn 1952 và các bài thơ: Đêm Thu, Tin thắng trận, Sáu mươi tuổi, Lên núi, Nhìn trăng, Nhớ chiến sĩ, Không đề, Đi thuyền trên sông Đáy... “Đi thuyền trên sông Đáy” ra đời khi Người đi từ Khấu Lấu, xã Tân Trào xuôi dòng ra đến Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương bây giờ. Hai câu kết bài thơ như sau: “Thuyền về trời đã rạng đông/ Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”. Còn bài Không đề Bác làm tại Làng Chương, xã Hùng Lợi, nơi mai đây sẽ mọc lên hai nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1 và Hùng Lợi 2, nhỏ thôi nhưng cũng bừng lên ánh sáng đổi đời của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bài thơ nổi tiếng đó như sau:“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà/ Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/ Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

Trên dòng sông lịch sử này, từ một chiếc cầu Lê Dung bắc trong kháng chiến, nay đã có 5 cây cầu bê tông lớn: Kim Quan, Trung Yên, Tân Trào, Thác Dẫng, Thiện Kế và ba cây cầu treo: Hùng Lợi, Bình Yên, Tuân Lộ. Nhiều nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên bên những khu rừng chiến khu thâm nghiêm, bên những đồi chè và cánh đồng mía, ngô lúa bát ngát...

Mùa lũ, sông Phó Đáy cũng gây nhiều hiểm họa cho sản xuất và cuộc sống của nhân dân đôi bờ. Năm 2002, con lũ lịch sử đã cuốn phăng cây cầu Trung Yên và phá hỏng cầu Thác Dẫng. Nhiều bãi bờ bên sông tan hoang. Ai cũng bàng hoàng khi thấy cả bụi tre khổng lồ nằm chềnh ềnh giữa cánh đồng Hùng Lợi toàn sỏi cát... Nhưng dòng sông vẫn là niềm tin yêu, kiêu hãnh và là cuộc sống muôn đời của các dân tộc đôi bờ sông...

Thủy điện Hùng Lợi

Lễ khởi công dự án Thủy điện Hùng Lợi diễn ra tại Làng Lè (nơi cùng với Làng Bun xây dựng Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 2), xã Hùng Lợi (Yên Sơn). Công trình do Công ty cổ phần Thủy điện Hùng Lợi làm chủ đầu tư với tổng mức vốn trên 435 tỷ đồng. Công trình được mang tên “Công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV”. Người Hùng Lợi ai cũng tự hào về mảnh đất chiến khu giàu truyền thống cách mạng của mình. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Tuyên Quang lại được chọn làm căn cứ địa của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Bản Chương, xã Hùng Lợi cũng được chọn làm nơi ở và làm việc của các đồng chí cán bộ cách mạng cấp cao: Tổng Bí thư Trường Chinh ở và làm việc cuối năm 1947; Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ 16-5 đến 1-6-1949; Bác Tôn Đức Thắng, Trưởng ban Thi đua ái quốc ở và làm việc cuối tháng 10-1949.

Dự án Thủy điện Hùng Lợi gồm 2 Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1 và Hùng Lợi 2. Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1 cách Làng Phan (trung tâm xã Hùng Lợi) khoảng 2km, cách đường tỉnh 204 khoảng 350m về phía Bắc. Đập dâng Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1 dài 305m, cao 51m, hình thành một hồ nước dài 12km, với sức chứa 21,07 triệu mét khối. Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 2 xây dựng trên địa phận Làng Bun, cách Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1 khoảng 5km theo đường chim bay về phía hạ lưu, tuyến đập cách đường tỉnh 204, qua sông Phó Đáy khoảng 1km...

Ông Trần Quảng Đại, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Hùng Lợi cho biết, tổng công suất 4 tổ máy hai Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 15MW. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các bên liên quan đã có giải pháp kỹ thuật nâng lên 18MW. Tổng sản lượng điện hai nhà máy theo thiết kế 59,88 triệu kWh/năm. Công trình do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sông Đà UCRIN thiết kế kỹ thuật.

Chuẩn bị cho khởi công công trình, công ty đã hoàn thành nhiều hạng mục công trình phụ trợ, trong đó có nâng cấp 1.994m đường điện 35KV, xây dựng mới đường điện 35KV từ Trung Minh - Linh Phú (Chiêm Hóa); làm mới và sửa chữa hơn 9km đường giao thông công vụ từ trụ sở UBND xã Hùng Lợi đến chân công trình; hoàn thành kiểm kê rà soát lại 170 hộ dân vùng lòng hồ, trong đó phải di chuyển 165 hộ. Riêng ở Bắc Kạn có 29,5ha thuộc xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), công ty đã thành lập được hội đồng đền bù GPMB với huyện bạn. Trong vòng 2 năm qua, điều quan trọng là công ty đã đưa ra được giải pháp kỹ thuật của dự án với cao độ đập giảm xuống, có kênh cao áp và tháp điều áp, đưa sâu cửa dẫn nước xuống. Như vậy, tận dụng được tối đa dung tích hữu ích của hồ nước, tăng lượng điện hằng năm từ 5-8% so với thiết kế ban đầu, đồng thời lập dự án đầu tư Thủy điện Hùng Lợi 2, hạ thấp dòng dẫn hạ lưu, tăng cột nước phát điện, nâng công suất từ 3,5MW lên 7MW...

Ông Hà Thế Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty cho biết thêm, do ảnh hưởng của “cơn bão” tài chính toàn cầu, trượt giá cho suất đầu tư tăng lên 26 - 27 tỷ đồng/MW so với 23 tỷ đồng/MW trước đây. Dù vậy, công ty cũng bảo đảm hoàn thành xây dựng Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 1 trong 30 tháng, hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm 2013. Nhà máy Thủy điện Hùng Lợi 2 cũng sẽ được đồng thời thi công và hoàn thành cùng với Hùng Lợi 1. Riêng với các tổ máy, sau khi hoàn thành thiết kế kỹ thuật, công ty sẽ mời nhà thầu quốc tế, bảo đảm công nghệ mới hoàn toàn và nhà máy tự động hóa 100%.

Chưa bao giờ ở Hùng Lợi có một ngày hội đông vui, rộn rã như thế này. Hàng nghìn người từ khắp các xã trong vùng ATK Yên Sơn kéo về đứng chật cả một quả đồi sát bên hữu ngạn sông Phó Đáy ở Làng Lè. Họ đang náo nức chờ đón giờ phút lịch sử: nổ mìn hiệu khởi công xây dựng công trình thủy điện đầu tiên trên sông Phó Đáy, công trình thủy điện thứ ba trong tỉnh.

Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo đà phát triển kinh tế, xã hội không chỉ riêng Hùng Lợi, Trung Minh mà cả vùng ATK lịch sử này. Đặc biệt là vùng hồ Thủy điện Hùng Lợi 1 sẽ tạo cơ hội cho phát triển nuôi trồng thủy sản, mang lại công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc vùng chiến khu xưa. Hiện xã Hùng Lợi còn tới 47% số hộ thuộc diện nghèo. Trước mắt đã có thể thấy rõ dự án góp phần nâng cao nhận thức về khoa học công nghệ, mở ra nhiều ngành nghề về xây dựng và dịch vụ cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ. Dự án còn kèm theo một số công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản, phúc lợi xã hội không chỉ riêng phục vụ công nhân mà còn cho cả nhân dân trong vùng...

Dòng sông giữa lòng Việt Bắc đã góp phần làm ra ánh sáng độc lập, hòa bình, nay đang làm ra ấm no, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng sông và ánh sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.