Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 6: Khi dân cùng liệu việc với Đảng

Nguyễn Tùng| 17/01/2011 06:53

(HNM) - Hơn 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và khởi xướng công cuộc đổi mới.

Nếu sự sáng suốt trong lãnh đạo của Đảng là "điều kiện cần" thì sự ủng hộ của đông đảo nhân dân chính là "điều kiện đủ" để dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, đạt được những thành quả vĩ đại đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Từ dân vận khéo…

Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa nhanh của Thủ đô Hà Nội đã nảy sinh nhiều vấn đề dân sinh dễ gây bức xúc. Mọi chuyện từ nước sạch, điện, vệ sinh môi trường, vườn hoa, cây xanh, vỉa hè, lòng đường… đến việc đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đều ẩn chứa nhiều vấn đề phát sinh mâu thuẫn, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2010, các cơ quan hành chính của Hà Nội tiếp nhận, xử lý gần 15.000 đơn, 1.181 vụ khiếu nại, tố cáo. Trong số này, những đơn từ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai chiếm phần lớn. Có những thời điểm, GPMB trở thành một mặt trận nóng bỏng của Hà Nội. Nhiều dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ vì vướng GPMB.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài đã được các hộ dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công. Ảnh: Bảo Kha

Thế nhưng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy là một ngoại lệ. Vốn là một làng ven sông Tô Lịch, đời sống của nhân dân phường Yên Hòa trước đây phụ thuộc khá nhiều vào đồng ruộng. Sau khi từ xã lên phường, cùng với sự phát triển chung của quận Cầu Giấy, Yên Hòa cũng đã có nhiều đổi thay. Theo thống kê chưa đầy đủ, 10 năm qua, Yên Hòa đã GPMB khoảng 100ha phục vụ 50 dự án. Năm 1998, Yên Hòa phải cắt khoảng 7ha liên quan đến 200 hộ dân cho Khu đô thị Trung Yên và chỉ sau một năm phường đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Rồi dự án xây dựng Khu đô thị mới Nam Trung Yên cũng ngốn mất 15ha đất của Yên Hòa, vậy mà mọi việc đều êm thuận. Đầu năm 2010, để thực hiện dự án đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (nay là đường Trần Thái Tôn), gần 20 hộ dân đã đồng ý bàn giao 1ha đất, dù cho lúc đó chưa có mức giá đền bù.

Đến Yên Hòa tìm hiểu nguyên nhân mang lại những thành công trong GPMB, câu trả lời nằm trong 3 chữ ngắn gọn: "Dân vận khéo". Nhưng để thực hiện được 3 chữ này, các cán bộ khối dân vận phường Yên Hòa đã nỗ lực trong nhiều năm. Họ đã không quản ngại khó khăn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động nhân dân. Đối với những trường hợp thuận lợi, họ cũng phải đi vài ba lần xuống các hộ dân, còn những trường hợp phức tạp thì không thể tính được số lần đi về. Chính sự gần dân, bám việc của cán bộ dân vận đã giúp người dân nhận thức rõ hơn về chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước và cũng giúp chính quyền các cấp hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhờ đó, công tác GPMB ở phường Yên Hòa sớm được người dân đồng thuận.

Cùng với đó, cấp ủy đảng, chính quyền phường luôn bảo đảm nguyên tắc khách quan, chính xác, công bằng và đúng pháp luật. Quan trọng hơn là phường Yên Hòa đã biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phường đã phổ biến quy hoạch, phương án thu hồi đất đai, chính sách về đền bù đối với từng loại đất và tài sản, hoa màu trên đất đến từng người dân. Những nội dung phổ biến trên hoàn toàn đúng với Điều 19 Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến thực hiện dân chủ ở cơ sở

Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và rút ra bốn bài học, trong đó có bài học "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, phải đặc biệt chăm lo củng cố mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân". Mười hai năm sau, năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị 30-CT/TW nêu rõ: "…lúc này để giữ vững và phát huy được bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, phải phát huy quyền làm chủ của dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, tham gia kiểm kê, kiểm soát nhà nước, khắc phục tình trạng quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng. Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất". Sau những thí điểm, đúc rút kinh nghiệm, năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Từ khi thực hiện đổi mới, việc tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở bằng những văn bản pháp luật rõ ràng, chắc chắn đã cho thấy một bước chuyển về chất trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong GPMB chính là một trong những hoạt động mới. Theo Ban chỉ đạo thực hiện QCDC thành phố, năm 2010, Hà Nội có 11 quận, huyện đã triển khai QCDC trong GPMB, trong đó có 5 quận, huyện là Cầu Giấy, Tây Hồ, Đống Đa, Gia Lâm, Ba Vì đã xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong GPMB. Thậm chí, riêng quận Cầu Giấy đã chỉnh sửa, bổ sung nội dung QCDC trong GPMB đã ban hành. Đó cũng chính là một lý giải nữa cho "hiện tượng dân vận khéo ở Yên Hòa" đã nói ở trên. Những quận, huyện đã ban hành QCDC trong GPMB đều tổ chức triển khai thực hiện đúng trình tự, quy định, quy trình, nội dung trong quy chế. Các nội dung liên quan đến GPMB đều được niêm yết công khai tại trụ sở phường, xã và nơi tiến hành GPMB. Đặc biệt, người dân trong diện thu hồi đất được cử đại diện vào tổ công tác điều tra hiện trạng, hội đồng bồi thường, tái định cư để tham gia ý kiến vào các dự án.

Đánh giá kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện QCDC thành phố Trần Quang Cảnh cho rằng: "Năm 2010, việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến. Nhiều thôn, tổ dân phố tiến hành nghiên cứu rà soát, bổ sung, sửa đổi quy chế dân chủ theo "mẫu" của thành phố, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nhiều nội dung của Pháp lệnh 34 qua công khai bàn bạc dân chủ đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân". Khi quyền làm chủ của nhân dân được coi trọng, phát huy, đa số nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở. Thực hiện QCDC gắn với việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã giúp bộ máy công quyền được hoàn thiện hơn, mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân được cải thiện, đem lại hiệu quả tốt hơn trong giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội".

Câu chuyện về công tác GPMB ở phường Yên Hòa cũng chỉ là một trong số nhiều ví dụ để chứng minh một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra. Khi dân cùng liệu việc với Đảng, việc khó cũng thành dễ, việc lớn cũng thành nhỏ. Nhờ dân vận khéo mà người dân Yên Hòa biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vẫn hằng ngày đi về những con ngõ ngoằn nghèo đặc trưng của một làng ven đô xưa để cho Hà Nội có một diện mạo mới với nhiều công trình to đẹp.

Trong những ngày này, người dân cả nước đang hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội. Dù cho con đường phía trước còn có không ít khó khăn, thách thức, nhưng khi Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi dân là gốc, phấn đấu xây dựng một Nhà nước thực sự là "của dân, do dân, vì dân", thì người dân Việt Nam chắc chắn cũng sẽ luôn đoàn kết, đồng thuận đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 6: Khi dân cùng liệu việc với Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.