Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Thú chơi chữ và câu đối

Nguyễn Ngọc Tiến| 09/02/2011 05:36

(HNM) - Văn hóa Việt Nam lưu truyền phong tục treo bùa "Đào phù" (hay bùa đào) trước cửa, ma quỷ trông thấy giấy đỏ tưởng hoa đào nên không dám đến. "Đào phù" vẽ hai vị Thần Đồ và Uất Lũy trên giấy hồng điều. Dần dần, người ta thay "Đào phù" bằng câu đối viết trên giấy hồng điều, vừa xua được ma quỷ lại bày tỏ được mong muốn của họ.

Phố ông đồ Hà Nội dịp Xuân Tân Mão. Ảnh: Bá Hoạt

Hoàng Sĩ Khải đỗ tiến sỹ năm 1554, làm quan lên đến chức Thượng thư kiêm Tế tửu Quốc tử giám triều Mạc đã làm bài thơ bằng chữ Nôm dài 336 chữ “Tứ thời khúc vịnh”, trong có câu: “Chung Quỳ (tranh) khéo vẽ nên hình/bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà”. Thế kỷ XV, thú chơi câu đối tết phổ biến khắp thành Thăng Long, không chỉ có tầng lớp “sĩ, công, thương” mà cả những người làm nghề nông cũng treo. Câu đối treo từ nhà quan, các cửa hàng buôn bán đến nhà dân. Tương truyền, một năm, gần đến giao thừa, vua Lê Thánh Tông vi hành quanh Thăng Long xem con dân của mình ăn tết thế nào. Đến một nhà, ngài không thấy treo câu đối, hỏi mới biết đó là nhà một người ở phường nhuộm vải, đã góa vợ, con trai đi lính ở miền biên ải. Ngài bèn sai lấy giấy bút, rồi tự tay mài mực và viết: “Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ/Triều đình chu tử tổng ngô gia (Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ/Đỏ tía triều đình tự cửa ta)”.

Viết câu đối thường là các bậc túc Nho hoặc người hay chữ. Thời nhà Mạc, vua lệnh chỉ không dùng chữ Hán (hay còn gọi là chữ Nho) mà phải dùng chữ Nôm (do người Việt sáng tạo dựa trên cơ sở chữ Hán). Khi nhà Mạc thất thế, phải chạy khỏi Thăng Long, chữ Nho được dùng trở lại. Sở dĩ nhiều người dùng chữ Nho vì chữ Nôm khó hơn. Nhưng đến triều Nguyễn, người có học hoặc đỗ đạt cao thích dùng chữ Nôm. Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều bằng chữ viết của dân tộc. Ở đền Ngọc Sơn (thờ Văn Xương, Trần Hưng Đạo và Quan công), sau khi Nguyễn Siêu đứng ra tu sửa lại đã cho xây một bể dùng để đốt chữ. Hằng ngày có người đi khắp 36 phường ở Thăng Long lượm các giấy có chữ Hán, chữ Nôm bỏ đi mang về đốt vì người ta cho rằng chữ Nho hay chữ Nôm là chữ thánh hiền, không thể để dân giẫm đạp lên.

Đầu thế kỷ XX, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đưa ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối cụ viết hiện còn lưu giữ thì 47 câu đối bằng chữ Nôm. Cụ viết cảnh tết của một nhà nghèo với tinh thần hết sức lạc quan qua giọng điệu hài hước:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Hay: Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân.


Những câu đối kèm theo chữ đại tự cũng được viết trên giấy đỏ treo trên tường, ví dụ như “ Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước sông nhớ đến nguồn), “Đức lưu quang” (Đức chan hòa ánh sáng). Ngoài viết câu đối, các ông đồ còn viết chữ mừng xuân theo yêu cầu của người xin chữ. Thường là chữ: Xuân, Thọ, Khang, Ninh, Phúc Đức, Phú, quý, lộc... Nhà nào không hạnh phúc thì các ông đồ cho chữ Bình, ai nóng vội, “Dục tốc bất đạt” thầy cho chữ Nhẫn. Các chữ này được viết to hết khổ giấy. Cuối thể kỷ XIX, có thầy đồ viết chữ móc máy Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải theo Pháp, đêm 30 tết mang dán trên tường nhà Hoàng Cao Khải (nay là Sứ quán Trung Quốc). Nửa cuối thế kỷ XIX, đoạn ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc, trước gọi là Hàng Bút (còn phố Hàng Bút hiện nay xưa là phố Hàng Mụn) chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Tầu. Cạnh các cửa hàng này, các ông đồ cũng trải chiếu và bán câu đối, hay chữ đã viết sẵn, ai không thích thì đọc chữ hay trình bày mong muốn để thầy tìm chữ hợp với bản thân và gia cảnh. Câu đối và chữ viết trên giấy hồng điều. Song nhà có tang phải dùng giấy màu vàng hay màu xanh lục. Một bài báo đăng trên tờ Tương lai Bắc Kỳ năm 1889 mô tả: “Phố Hàng Trống nhà còn thưa, vào dịp gần tết, ngoài bán tranh, người ta còn bán cả chữ Hán”. Chữ Hán mà bài báo nói đến chính là câu đối, nghĩa là ở Hàng Trống từng bán cả câu đối tết.

Nguyễn Phan Lãng là một nhà Nho tích cực trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án rồi đầy ra Côn Đảo. Đầu thập kỷ 2 thế kỷ trước, mãn hạn tù, ông về phố Thuốc Nam (nay là phố Hàng Da) viết chữ, câu đối tết kiếm ăn. Khi chữ Quốc ngữ được trọng, chữ Pháp dùng trong công sở thì người xin chữ và viết câu đối tết ở Hà Nội thưa dần, ông đã làm thơ về sự sa sút của Nho học. Tuy nhiên, bài hay nhất và ý nghĩa nhất về đề tài này là “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, đăng trên báo Tinh hoa vào năm 1936:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tầu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
...Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Dăm bảy năm nay, Hà Nội lại xuất hiện thú xin chữ thầy đồ trước Tết. Không chỉ "cho" chữ, không ít người còn nhờ thầy viết câu đối. Thật là mừng khi văn hóa chơi chữ và câu đối của Kinh thành Thăng Long sống lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Thú chơi chữ và câu đối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.