Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 12: Tàu 235 chấn động Hòn Hèo

Hoàng Định| 26/09/2011 06:28

(HNM) - "Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập và tiếp tế cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính họ tự hủy, không để lại dấu vết".

Đấy là lời "vinh danh" trên tạp chí Lướt sóng của Hải quân Sài Gòn cũ về sự kiện Hòn Hèo rạng sáng 1-3-1968. "Một tiểu đoàn Việt Cộng" thực chất là 20 chiến sĩ tàu 235 của Trung úy Thuyền trưởng Phan Vinh. Một nửa tàu đã văng lên núi Bà Nam, nửa kia chìm dưới biển, tức là không hoàn toàn "không để lại dấu vết" như Lướt sóng viết. Một câu chuyện hào hùng, bi tráng, còn in đậm trong tâm khảm người có tuổi vùng Hòn Hèo hôm nay…

*
* *


Tàu "không số" 235 có bốn máy, chạy trung bình tới 22 hải lý/giờ, loại cao tốc. Đầu tháng 2-1968, đi chuyến đầu, địch theo dõi gắt, tàu phải quay ra. Chuyến hai xuất phát ngày 27-2, chở 14 tấn vũ khí để vào bến Hòn Hèo thuộc đất Ninh Hòa, cách Nha Trang (Khánh Hòa) 12km. Đây là vùng biển nhiều đá ngầm, luồng hẹp, núi cao bao bọc, người Pháp đánh giá thuyền trưởng phải có tuổi nghề xấp xỉ 20 năm mới vào, ra được. Nguyễn Phan Vinh, đã đi cả chục chuyến, đủ "trình" lão luyện như vậy. Chính trị viên 235 là Nguyễn Tương, cũng quê Quảng Nam, để lại ở Vĩnh Phúc người vợ cùng con trai đầu mới bốn tháng tuổi.

 Vợ chồng ông Nguyễn Bá Cường và bà Phạm Thị Hường.

Cuộc "thâm nhập" của "tiểu đoàn Việt Cộng" sau này được chị Bùi Thị Hương ở Bảo tàng Hải quân kể lại khá chi tiết. Sau hai ngày đêm trên vùng biển quốc tế, ngang quãng Nha Trang, chiều tối 29-2, tàu 235 đã bị máy bay địch theo dõi. Lộ rồi. Đêm vẫn quyết định vào bến. Lực lượng quá chênh lệch, khi phía Sài Gòn có tới ba tàu chiến Ngọc Hồi, HQ12, HQ617 cùng 4 tàu của Duyên đoàn 25, trên trời máy bay yểm trợ. Sau một hồi chạy vòng vèo, tàu vào đúng Ninh Phước nhưng không thể bốc dỡ, phải thả hàng - rất nhiều đạn B40, B41 - xuống nước để quân dân trong bờ vớt sau. Tàu địch bật đèn pha, máy bay thả pháo sáng rực một vùng biển. Súng DKZ, 12,7 ly trên 235 xả đạn khiến địch không thể vào gần, nhưng thương vong bên ta ngày một nặng. Phan Vinh, bị mảnh đạn sượt qua đầu, muốn phá vòng vây ra khơi, thì thợ máy báo cáo máy hỏng nặng.

Vậy là chỉ còn phương án cuối cùng, cho nổ tàu. Lần lượt từng người còn sức bơi vào bờ, xuống nước cuối cùng là Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ. 20 phút sau, tức là 2 giờ 40 sáng 1-3, tiếng nổ động trời vọng tới tận Nha Trang. Cuộc chiến không cân sức tiếp tục diễn ra trên bờ. Phan Vinh, Ngô Văn Thứ hy sinh anh dũng, chiến sĩ hàng hải Mai Văn Khung bị bắt, Thuyền phó Đoàn Văn Nhi du kích tìm được "chỉ còn áo rách và cuộn băng đã khô máu". 5 người may mắn được bên ta tìm thấy còn sống sót, đem về chăm sóc, sau đó trở ra Bắc bằng đường bộ.

*
* *

Cuộc chiến đấu không cân sức đã kết thúc, nhưng dư âm anh hùng của nó còn vọng lại tới hôm nay. 43 năm sau, chúng tôi may mắn được tới quê hương Anh hùng Phan Vinh. Xã Điện Nam (cũ) giờ có trường THCS mang tên anh, đi đâu cũng gặp gia đình liệt sĩ, Bà mẹ VNAH, có 2 đơn vị, 8 cá nhân Anh hùng LLVT. Khu kinh tế Điện Ngọc mở ra những khả năng phát triển dồi dào cho Điện Bàn, vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương những Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Phan Thanh… Tên Phan Vinh còn được đặt cho một hòn đảo ngoài Trường Sa, vùng biển thiêng liêng của đất nước.

Trước Quảng Nam, chúng tôi ghé Hòn Hèo, vùng đất sát biển của huyện Ninh Hòa (nay đã lên thị xã) tỉnh Khánh Hòa, nơi một nửa tàu 235 văng mảnh lên bờ. "Hòn" đây là dãy núi chạy sát ra biển, giáp các xã Ninh Thủy, Ninh Phước, Ninh Vân gần chỗ nổ tàu xưa, chứ không phải hòn đảo. Xa xa là hải đăng "Hòn Hèo", nằm trong vịnh Vân Phong vừa sâu vừa lặng sóng, thuận tiện cho các nghề phát lên. Khu kinh tế ở đây có xưởng đóng tàu Hyundai - Vinashin, cảng Hòn Khói, Xí nghiệp Muối, bãi tắm Dốc Lết…, tức là sự đổi thay cực kỳ lớn lao. Đường mở dọc bờ biển có kè bao, nhà xưởng mọc lên bên ruộng ớt, ô muối "truyền thống". Vài vấn đề không nhỏ xuất hiện, y như ở các vùng quê thuần khiết đang công nghiệp hóa: bãi chứa 800.000 tấn nix thải ra từ nhà máy đóng tàu gây ô nhiễm, dân khai thác đá san hô làm "rạn" thềm biển, chuyện di dời… Và những con người cả đời sống nhờ đất, nhờ biển sẽ sao đây khi "chuyển đổi cơ cấu" sinh nhai… Chen chúc trong câu chuyện hôm nay rất ngổn ngang là ký ức của những nhân chứng đáng quý…

Bà Phạm Thị Hường ở xã Ninh Thủy, năm 1967 là người của đơn vị bến, mật danh K67, có nhiệm vụ đón, bảo vệ, tổ chức giao nhận, bốc dỡ hàng hóa - chủ yếu là vũ khí - từ tàu lên bờ. Chức năng quan trọng như vậy nhưng khi chuyển về đây bà chả biết "nó" thuộc Quân khu Năm hay Hải quân. "Hồi đó tôi chưa biết chữ, chưa biết đường hỏi, mà hỏi cũng không ai nói. Đến gặp dân cũng không được, thấy người thân quen phải lánh ngay mà. Lương thực, đồ ăn ư? Thì lại có các tổ công tác bám dân chuyển lên".

Bà kể tình đầu:

"Anh trai và chú tôi thoát ly rất sớm. Ở nhà thì nó cũng bắt, nên năm 1964, mười bảy tuổi là tôi lên bệnh xá Đá Bàn rồi, sau đó về bệnh xá Hòn Hèo, toàn là nấu cơm, hái rau, trồng sắn thôi. Đơn vị bến K67 khoảng 30 người, mình tôi là nữ. Ba anh: Tân, Bình, Lư coi cơ yếu, điện đài 15 oát, 6 trinh sát chia hai mũi theo dõi tàu cao tốc, hải thuyền của địch. Tôi ở bộ phận phục vụ, gồm quản lý, tiếp nhận gạo mắm, thuốc men (nhiều nhất là ký ninh, pênixilin), đội công tác chuyển từ cơ sở ở dưới làng lên. Sáng ra tôi nấu ăn, cho vào hănggô (đồ đựng thức ăn dạng như cặp lồng cơm) mang xuống chân núi cho trinh sát, xong đem lên, đến chiều lại thế. Các anh bảo "Mày bệnh tao sợ, biết ai mang cơm…". Lần đầu - đầu tháng 2 - 1968, bến chuẩn bị cả trăm dân công, bộ đội mang dây, đòn khiêng vũ khí, không có gì, sáng lại giải tán".

"Lần nhì, tàu 235 vào thật, thì lại không biết gì. Gần sáng nghe tiếng nổ kinh thiên, rồi trực thăng đổ xuống bãi tranh mới "ủa, nó càn!". Bèn vớ ba lô, khẩu cạc bin, đèn pin, tăng võng chạy ào ào. Khoảng chiều gặp lính Đại Hàn, thằng đen trũi, mặt tàn nhang đội mũ sắt bên kia bụi cây, tôi tự nhủ nó thấy thì mình chạy cho bắn, chết thì thôi, rủi bị bắt rất cực. Tôi tỉnh táo lắm, nhưng khi nó quay lui thì run bắn, không bước được. Đêm đó tôi mò vào suối cạn, chống súng ngồi nghỉ, bọn lính bên trên liệng đồ hộp mới tỉnh. Một đêm hai ngày liếm nước trong vũng đá cầm hơi, thấy quân mình thì chu cha, khóc ơi là khóc". "Tôi xỉu cả ngày mới dậy được. Biết nó gom xác 14 anh tàu 235 lại đổ xăng đốt. Sau đi tìm, nhặt được cái hănggô, tiếc rằng nó bị bẹp không giữ được. Vải dù dưới làng đem lên, tôi may 5 bộ tăng võng cho 5 anh còn sống. Các anh bảo "Khi nào thống nhất sẽ bỏ vào bảo tàng quân đội kỷ niệm này của em". Cứ thế, lại người, các anh đi…

- Sau này có ai quay lại tìm người cũ không, chị? - Tôi hỏi bà Hường.

- Năm 1977 anh Lâm Quang Tuyến người Nam Định tìm về, gặp người khác hỏi ngay "Hường còn sống không?". Vợ chồng tôi ra Hải Phòng, đến nhà anh Nguyễn Văn Phong, vợ ảnh kể ảnh nhắc chị hoài, đoạn đi đào củ mài, chị bảo ảnh náu đi để tắm, xong lại mặc nguyên đồ đi tiếp. Rồi anh Lê Duy Mai ở Thanh Hóa. Hai anh: Hà Minh Thật và Vũ Long An chưa gặp, anh An ở Kiến An, nghe nói khó khăn lắm, tội nghiệp. Sau vụ nổ đó, K67 không tuyên bố giải tán nhưng ai về chỗ đó. Tôi lại về Hòn Hèo, năm 1969 cưới, con gái đầu lòng ra đời năm 1972, sinh cực ơi là cực…".

Cơ ngơi hôm nay của bà Hường khá khang trang, mặt đường là trạm xăng, ngôi nhà lui vào trong tràn ngập nắng gió. Chồng bà là ông Nguyễn Bá Cường, thương binh hạng 2, nguyên Bí thư Ninh Hòa, lãnh Huân chương Độc lập. Giống vợ, "nhân thân" những năm sáu mươi của ông cũng "xấu lắm", "không thoát ly nó bắt ngay". Năm 1967, hai sư Đại Hàn Bạch Mã, Mãnh Hổ đóng vùng Khánh Hòa, Phú Yên, tình hình rất căng. Về sự kiện tàu 235, ông Cường kể: "Tôi là y tá bệnh xá Hòn Hèo, chăm nhiều thương binh quá, anh Bắc anh Nam không nhớ tính tình từng người. Chỉ biết du kích, bộ đội địa phương tìm 13 ngày thấy 5 anh náu trong ghềnh gộp ven biển, lả cả rồi. Bọn tôi phục thuốc, đường sữa cả tháng, rồi các anh ấy lại ra Bắc, đường bộ. Giờ già cả, muốn gặp nhau lắm nhưng khó, chỉ thăm hỏi qua điện thoại. Mấy anh vừa gửi cho ít chè Bắc đây…".

Ông Cường đã nghỉ ngơi, trên bàn có cặp kính, cuốn "Suy tưởng", tiểu luận của Nguyễn Trần Bạt, người đang được coi là có những quan điểm cấp tiến - ra ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. "Tôi thấy những lý giải về nguyên nhân tham nhũng của ổng sâu và có lý lắm, mà mình cũng chưa hiểu hết, có cái chưa đồng ý được". Ông hỏi tôi rất kỹ về tác giả, còn tôi lơ mơ nhìn hàng cau cảnh đơm quả đỏ rực, lơ mơ nghĩ: "Ở tuổi này nghĩ chuyện đó làm chi, anh ơi…".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 12: Tàu 235 chấn động Hòn Hèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.