Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến đất Phật, về với Mẫu

Nguyễn Ngọc Tiến| 04/03/2012 06:53

(HNM) - Tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Phật phồn thịnh ở Vĩnh Phúc trở thành đề tài chính trong hội thảo khoa học về vùng văn hóa Tây Thiên do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức vào năm 2011.

Đất Vĩnh Phúc xưa được coi là một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa của tục thờ Mẫu. Quốc Mẫu Tây Thiên, theo truyền thuyết là tiên nữ núi Tam Đảo đầu thai vào gia đình họ Lăng ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Bà có nhân duyên cùng vua Hùng Vương thứ VII là Hùng Chiêu Vương khi nhà vua đến núi Tam Đảo để cầu Tiên tử. Bà trở thành Hoàng phi và từ bà đã mở ra triều đại mới thịnh trị với 7 đời vua Hùng. Trên núi Thạch Bàn, đền thờ bà (còn gọi là đền Thượng Tây Thiên) tọa lạc cùng với chùa Tây Thiên. Theo nhà nghiên cứu Văn Thị Bích Thảo (Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Khoa học xã hội Việt Nam), dưới chân núi Tam Đảo còn có 54 điểm thờ cúng và riêng xã Đại Đình có tới 5 điểm thờ vị Quốc Mẫu linh thiêng này. Bên cạnh thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, các đình, đền ở Tây Thiên còn thờ Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn (các vị thần cai quản trời, đất, núi rừng) và các ông hoàng, bà chúa. Để tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15-2 âm lịch, dân trong vùng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc Mẫu phù hộ cho bình an, may mắn. Đây cũng là dịp để nhân dân và du khách mọi miền dựng lại các trò chơi dân gian đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.


Đạo Mẫu Việt Nam ít nhiều có ảnh hưởng từ nước ngoài nhưng là tín ngưỡng bản địa, lấy việc tôn thờ Mẫu làm hình tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người. Tín ngưỡng đó đã được giới tính hóa mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi người phụ nữ Việt Nam gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc bởi xã hội phong kiến. Thực tế cho thấy, đền, chùa, miếu thờ Mẫu có ở nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam với những cấp độ và sắc thái khác nhau. Trong quá trình phát triển, tục thờ Mẫu đã có sự giao thoa, hấp thụ và tiếp nhận với các tôn giáo và tín ngưỡng khác ở các cấp độ và thờ Mẫu ở Tây Thiên là trường hợp điển hình. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về nữ thần, mẫu thần ở Việt Nam, đầu tiên phải kể tới tên tuổi của các nhà khoa học người Pháp như: Parmenties, Maspero, Durand, Simond, kế đó là các nghiên cứu của người Việt Nam như: Nguyễn Văn Huyên, Đào Thái Bình… Theo dòng lịch sử, lễ hội Tây Thiên gắn với những câu chuyện về Quốc Mẫu Tây Thiên ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất ở Bắc bộ. Song, thực tế hiện nay cho thấy, người dân nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước không chỉ đến Tây Thiên vào mùa lễ hội mà quanh năm, nơi đây luôn đông khách tới vãng cảnh và dâng hương. Ông Đinh Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Tây Thiên cho biết: "Ngay sau Tết Nhâm Thìn 2012, Tây Thiên đã đón hàng vạn lượt khách và con số này dự định sẽ tăng hơn nữa trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội".

Vì sao Tây Thiên lại có sức hút với khách thập phương đến vậy? Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Văn hóa dân gian khu vực Tây Thiên là sự phức hợp giữa văn hóa Đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía bắc. Lễ hội Tây Thiên thể hiện rõ nhất những nét văn hóa đặc sắc đó với phần lễ bao gồm lễ cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên. Riêng phần lễ cáo bao giờ cũng diễn ra trước lễ chính 5 ngày và trong 3 ngày từ ngày 15 đến 17 tháng 2 âm lịch, phật tử và khách thập phương sẽ được tham gia phần tế lễ trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc, gồm rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả truyền thuyết Quốc Mẫu đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất giang sơn. Với phần hội, có rất nhiều hoạt động phong phú như thi gói bánh chưng, giã bánh dầy, hội vật... cùng các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn miền bán sơn địa. Nét đặc biệt của lễ hội Tây Thiên còn là các điệu hát chèo, hát văn với những làn điệu dân ca của người Việt, khúc hát Soọngcô của người Sán Dìu định cư ở chân núi Tam Đảo... Cũng theo nhà nghiên cứu Văn Thị Bích Thảo, lễ hội trong thờ đạo Mẫu là "kết tinh dưới dạng nguyên hợp nhiều giá trị văn hóa dân gian như ca, múa, nhạc trong một sân khấu tâm linh". Để bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất linh thiêng này, trong năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành sự ưu tiên đặc biệt cho Tây Thiên, trong đó phải kể đến hệ thống cáp treo Tây Thiên vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng trong lễ hội năm nay. Tuyến cáp này sẽ thỏa mãn tâm nguyện của không ít du khách sức khỏe yếu khi muốn lên đền Thượng vì con đường quá gập ghềnh, dốc đứng. Tuyến cáp treo cũng giúp du khách được thưởng ngoạn một Tây Thiên sơn thủy hữu tình từ trên cao với núi rừng hùng vĩ xanh mướt dưới tầm mắt và lắng nghe tiếng thác Bạc thì thầm trong lúc đến với chùa và đền. Không chỉ có đạo Mẫu, đất Tây Thiên còn có ngôi chùa thờ Phật theo phái Mật tông rất đặc biệt mang tên Tịnh thất Tây Thiên, nằm biệt lập sâu trên núi, qua những con đường rừng quanh co, trơn trượt. Điều ngạc nhiên là tịnh thất có tới 80 sư cô đều khá thông thạo tiếng Phạn, nhiều cô dịch được cả tiếng Anh nhưng lại sống một cuộc sống vô cùng giản dị.

Được biết, để hướng dẫn ni chúng tu tập theo đúng khuôn mẫu, 12 vị ni cô Tây Thiên đã được cử đi cầu pháp, thọ học các nghi quỹ và pháp tu Mật tông ở một ni viện của Đức pháp vương dòng Drukpa tại Kathmandu, Nepal. Hình thức tu tập và quản lý ni chúng Tây Thiên theo mô hình của các ni trường miền Nam, lấy pháp Lục hòa làm kim chỉ nam. Tuy lao động nặng nhọc, song toàn thể ni chúng Tây Thiên đều chỉ ăn một bữa trong ngày. Tinh thần tu học và tác sự của các sư cô thể hiện rõ sự nghiêm trì giới pháp cẩn tắc, đặc biệt là pháp Lục hòa. Tất cả vật dụng cá nhân của ni chúng đều bằng nhau và giống nhau, không vị nào nhiều hơn hay ít hơn, không vị nào cất giữ của riêng. Tịnh tài, phẩm vật do phật tử hoặc thân nhân cúng, dù nhiều hay ít, đều được tập trung vào quỹ chung, sau đó đem chia đều cho mỗi vị. Phật giáo Mật tông xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ X, bằng chứng là các nhà nghiên cứu Phật giáo đã phát hiện ở Hoa Lư (Ninh Bình) có một cột kinh Phật bằng đá, khắc bài thần chú "Phật Đỉnh Tối Thắng Đà La Ni", bài thần chú phổ biến của Mật tông. Có một điểm đáng chú ý là khi vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa lẫn vào dòng tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Đối với phần lớn người dân Việt Nam, đức từ bi của Phật và lòng quảng đại của Mẫu là biểu tượng cho lòng bao dung, sự che chở, phổ độ cứu vớt nhân gian, để cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân vui hưởng thái bình. Đạo Phật quan tâm đến số phận con người cả sau khi chết, còn đạo Mẫu quan tâm đến cuộc sống con người dương thế. Cả hai yếu tố đó đều cần thiết để góp phần mang lại sự cân bằng cho đời sống tâm linh của con người. "Cửu khúc hồi khê sơn bách chuyển/Độc cao phong bán thị Tây Thiên" (tạm dịch: Suối chín khúc từ trăm khe núi đổ về/Lưng chừng ngọn núi cao nhất là chùa Tây Thiên), không phải vô cớ mà Cao Bá Quát, người được vua Tự Đức khen ngợi: "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán" đã đề chữ của mình khi đến chốn này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến đất Phật, về với Mẫu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.