Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước mắt thợ gốm Biên Hòa

Nhất Ngôn| 11/10/2012 06:54

(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 4-9-2012 có bài


Quá khứ chưa xa

Trong khi gốm Biên Hòa, với lịch sử phát triển hơn 300 năm gắn liền với vùng đất Đồng Nai, đang lụi dần đi tên tuổi, thì gốm Bình Dương - mặc dù còn non trẻ nhưng lại nổi lên rất nhanh. Nhiều người làm gốm lâu năm ở Biên Hòa đều khẳng định gốm Bình Dương chỉ là gốm Lái Thiêu, trước đây chuyên sản xuất lu, chậu, chén dĩa… thông thường chứ không có gốm mỹ nghệ. Lợi thế của Bình Dương là nguồn đất sét tự nhiên và cơ chế khuyến khích cho làng nghề phát triển. Ngoài ra, khoảng hai mươi năm nay, nhiều người thợ tài hoa của gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã sang Bình Dương để thuê gia công. Tất cả những điều đó đã tạo tiền đề để gốm mỹ nghệ Bình Dương phát triển không ngừng và đẩy gốm mỹ nghệ Biên Hòa rơi vào cảnh đáng buồn như hiện nay.


Một cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa.

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, một trong những người làm gốm kỳ cựu ở Biên Hòa, đồng thời là chủ Công ty gốm Thái Dương buồn bã tâm sự: "Tôi nhìn thấy những người làm gốm rời mảnh đất cha ông để sang Bình Dương lập nghiệp, đau lắm! Họ không được hỗ trợ thực sự để tồn tại trên quê hương mình mà chỉ hỗ trợ bằng những… lời hứa".

Tiếp lời ông Nghĩa, ông Vòng Khiềng, Tổng Thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết thêm: "Gốm Biên Hòa không những đẹp mà còn độc đáo từ chạm khắc đến nước men bởi có sự kết hợp tinh hoa của ba dòng gốm Việt, Chăm, Hoa. Sự đặc biệt này khiến nhiều người thợ xứ khác phải về đây học nghệ".

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến cơ sự làng gốm tiêu điều bắt đầu từ khi thực hiện dự án làng gốm mỹ nghệ ở xã Tân Hạnh từ hơn chục năm nay. Mặc dù dự án di dời làng nghề này vẫn còn hiệu lực và đang trong quá trình triển khai, nhưng các cơ sở gốm thì cứ lụi dần… Cụ thể, từ năm 2000 đã có đề án nhưng do phát sinh nhiều bất cập nên phải điều chỉnh vào năm 2008, đến giờ mới xong cơ bản, nhưng vẫn chưa bố trí được cơ sở gốm vào làng nghề mới. Nói tóm lại, đây vẫn đang là một dự án "treo". Chính vì thế từ năm 2001 đến nay, không cơ sở gốm nào dám mở rộng sản xuất vì nơm nớp lo sẽ bị di dời. "Xây một lò gốm cỡ nhỏ cũng mất 6 tỷ đồng, nhưng không thể di dời về địa điểm mới, còn nếu bỏ thì mất tiền tỷ. Khi có đơn hàng lớn, chúng tôi thuê nơi khác sản xuất thì bị quản lý thị trường phạt vì lý do không được mở rộng sản xuất và không xin phép, trong khi xin phép lại chẳng ai cho vì chờ dự án" - một chủ lò gốm chua xót nói.

Trước tình trạng như vậy, các cơ sở gốm chỉ biết bất lực nhìn cơ sở sản xuất ngày càng xuống cấp, thợ gốm lần lượt ra đi. Nếu như năm 2000, với hơn 300 cơ sở sản xuất gốm, làng gốm mỹ nghệ Biên Hòa xuất khẩu đạt 5 triệu USD/năm, thì hiện chỉ còn vỏn vẹn 34 cơ sở, doanh thu xuất khẩu còn dưới 1 triệu USD/năm. Rất nhiều cơ sở đã tồn tại hàng trăm năm với nhiều nghệ nhân lừng danh, nay lò tan, thợ bỏ đi kiếm nghề khác mưu sinh, số khác chuyển sang Bình Dương tiếp tục làm gốm vì bên đấy có những chính sách "thoáng" thu hút nhân lực.

Quy hoạch một đằng nhưng lại làm một nẻo. Không hiểu vì lý do gì UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định rất kỳ cục khi dự kiến đưa một số doanh nghiệp không liên quan gì đến sản xuất gốm mỹ nghệ vào cụm làng nghề gốm Tân Hạnh. Cụ thể là doanh nghiệp Giang Trí Thành vốn chuyên mặt hàng… tôn, thiếc, doanh nghiệp King Minh trước giờ chỉ sản xuất gạch men, doanh nghiệp Tâm Dũng Sơn chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực thương mại. Đáng nói là những doanh nghiệp này lại nhận được ưu ái, hỗ trợ vượt trội hơn các cơ sở làm gốm mỹ nghệ lâu đời, khi được cấp đất từ 5.000 đến 50.000m2.

Những người thợ gốm Biên Hòa bây giờ thường tiếc nuối khi nhắc về quá khứ. Một quá khứ chưa xa khi mà gốm mỹ nghệ Biên Hòa đang ở thời huy hoàng, chủ và thợ làm việc không ngơi tay mà chẳng đủ hàng xuất đi nước ngoài. Chẳng biết bao giờ mới được như những ngày đã qua?

Nguy cơ mai một

Bên một xưởng gốm nhỏ xập xệ, chúng tôi còn được nghe nhiều điều "bí mật" khác. Bàn tay nặn tượng của thợ gốm rất khỏe, rất có lực nhưng cũng rất mềm mại bởi khối đất sét sau khi được nhào nước rất dẻo, rất mềm. Nhưng bàn tay của nhiều thợ gốm mỹ nghệ Biên Hòa hôm nay đã khác xưa nhiều. Bàn tay đã có những vết trầy xước, những nốt chai sần bởi họ phải đi… làm thợ xây, phụ hồ. Lò gốm vắng khách nên khi nào có hợp đồng thì chủ lò mới kêu thợ về làm việc, không có việc thợ gốm phải đi kiếm việc khác để mưu sinh.

Ông Trần Văn Chín, một người thợ gốm có hơn 30 năm làm nghề chia sẻ một kinh nghiệm buồn: "Em tôi đã phải bỏ nghề để làm phụ hồ vì không nuôi nổi gia đình nếu tiếp tục làm gốm ở đây. Thu nhập của thợ gốm không cao nhưng cũng không thể nói là thấp, khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, nhưng giờ làm gốm rất bấp bênh vì đơn hàng phụ thuộc, khi có khi không nên thu nhập không đủ sống". Theo ông Chín, những đứa con của ông sẽ không được học nghề làm gốm nữa bởi công việc quá ít nên có học cũng không được cọ xát bằng cách trực tiếp làm sản phẩm nhiều như trước. Lối ra cho những đứa trẻ làng gốm là những nhà máy công nghiệp đang mọc lên đầy rẫy ở đất Đồng Nai. Tôi hỏi, ông có tiếc không khi những bàn tay tài hoa làm gốm mỹ nghệ sẽ không còn được nặn tượng, khắc hình, vẽ gốm mà phải làm việc như những cỗ máy trong các dây chuyền công nghiệp? Ông Chín nhìn xa xăm, lắc đầu: "Cũng tiếc lắm nhưng chẳng biết làm sao, những chủ lò gốm còn điêu đứng thì thợ gốm chúng tôi làm sao trụ được". Ông Chín chưa bỏ nghề nhưng ông buồn. Ông nói những hôm không có việc, ông nằm bẹp suốt ngày ở cái võng sau nhà, vắt tay lên trán thở ngắn than dài nhớ lại một thời lò gốm sáng đèn cả ban đêm để làm cho kịp hàng cho khách. Càng ngẫm ông càng thấy đau lắm bởi những người làm gốm trẻ kế thừa thế hệ ông thì ngày càng ít đi, ít dần đi…

Làng gốm Biên Hòa đang "chết" vì một dự án treo.

Phải dành đất cho gốm
Sau khi đã có nhiều văn bản kiến nghị lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND TP Biên Hòa, Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai đã tiến hành khảo sát, có sự tham gia của chính quyền địa phương và đã kiến nghị: Công ty TNHH MTV Long Ngân không phải là cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ thuộc diện quy hoạch phải di dời và cũng không thuộc đối tượng được bố trí mặt bằng trong cụm nghề gốm Tân Hạnh. Ngoài Công ty Long Ngân còn có Công ty Giang Trí Thành, Tâm Dũng Sơn, King Minh dù không hề làm gốm mỹ nghệ nhưng cũng được đưa vào danh sách để cấp đất tại cụm mỹ nghệ gốm Tân Hạnh. Nếu các đơn vị này được Phòng Kinh tế UBND TP Biên Hòa đưa vào danh sách cấp đất là vi phạm quy định của UBND tỉnh Đồng Nai.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước mắt thợ gốm Biên Hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.