Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Còn ít những "hồi kết có hậu"

Nhóm phóng viên PS-ĐT| 05/03/2013 07:01

(HNM) - Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư (CĐT) xây dựng chung cư với các hộ dân, vốn là khách hàng của chính CĐT, bất kể là ở chung cư cao cấp hay chung cư dành cho tái định cư vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng có xu hướng khó giải quyết. Đáng buồn là "Hồi kết có hậu" như ở Vincom Center Bà Triệu có thể coi là của hiếm.

Nhiều mâu thuẫn phát sinh từ phí dịch vụ chung cư. Ảnh: Khánh Nguyên

Mãi là "lâm thời"?

Câu chuyện Ban quản trị (BQT) lâm thời của khu 17T10 vốn dành cho dân thuộc diện tái định cư tồn tại năm 2006 cho đến nay là ví dụ điển hình. Ông Phạm Đình Thái, Quyền Chủ nhiệm Hợp tác xã nhà ở Thụy Điển kiêm Phó BQT lâm thời chung cư này khẳng định, cho đến đầu năm 2013, những mâu thuẫn xung quanh tòa nhà 17T10 vẫn còn nguyên. Vấn đề đáng lưu ý là đơn vị được giao quản lý (Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) thì vô trách nhiệm, đại diện của nhân dân muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân thì lại không có toàn quyền vận hành, khai thác tòa nhà.

Cái làm được duy nhất của HTX nhà ở kiêm BQT lâm thời là duy trì sự ổn định như từ năm 2006 đến nay. Dù chưa được chính thức công nhận, BQT lâm thời của 17T10 đã nỗ lực bảo dưỡng thiết bị cần thiết cho tòa nhà, duy trì những dịch vụ có ích cho dân cư nhờ những nguồn thu từ kinh doanh trông xe, ăn uống, trông trẻ, đến ma chay, cưới hỏi, quảng cáo, rửa và sửa chữa xe… Điều đáng nói là những nguồn thu từ các hoạt động này không chỉ có ích cho cả tòa nhà mà còn mang lại công ăn việc làm, nguồn thu để duy trì cuộc sống cho chính những cư dân tại đây.

Ông Thái cho biết, năm 2012, mỗi hộ phải nộp là 240.000 đồng, như vậy mỗi tháng chỉ là 20.000 đồng, mức phí dịch vụ gần như chỉ là tượng trưng. Thậm chí, những hộ có người tham gia HTX còn có thu nhập kha khá. Sở dĩ người dân chỉ phải nộp một mức phí dịch vụ mang tính tượng trưng như thế là vì mọi phí tổn liên quan đến tòa nhà đều được HTX tự trang trải bằng tiền lãi thu được từ dịch vụ trông xe, trông trẻ em, ăn uống, quảng cáo…

Điều đáng nói là từ năm 2006 đến nay, BQT lâm thời 17T10 vẫn chưa nhận được một đồng nào từ Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

Những mâu thuẫn chưa có lối thoát

Qua 6 năm liền, những mâu thuẫn giữa cư dân đang sống ở The Manor với CĐT là Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO) vẫn chưa được giải quyết. Bà Nguyễn Nhung Hạnh, cư dân tổ dân phố số 3 The Manor và Villas (xã Mễ Trì Hạ, huyện Từ Liêm) cho biết, qua 6 năm, những điểm mâu thuẫn chính giữa cư dân The Manor với BITEXCO vẫn tồn tại nguyên vẹn. Điển hình là trong khi cư dân coi tầng hầm của The Manor thuộc sở hữu chung thì CĐT lại khăng khăng thuộc sở hữu riêng của CĐT nhưng không đưa ra được chứng cứ cụ thể để chứng minh. Chính vì lý do này, đã 6 tháng nay cư dân The Manor vẫn chưa chịu đóng phí dịch vụ, với giá được CĐT đẩy lên cao ngất trời và không có cơ sở pháp lý.

Và cũng đã 6 năm trôi qua, người dân ở The Manor vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ đỏ) trong khi hợp đồng mua căn hộ nêu rõ CĐT có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục pháp lý để bên mua nhận được sổ đỏ trong vòng 4 tháng kể từ ngày hoàn thành thủ tục hoàn công của The Manor. Bà Hạnh cho biết, 500 hộ dân đấu tranh để nhận sổ đỏ theo cam kết ban đầu của CĐT suốt 6 năm nay vẫn chưa thấy phản hồi. Còn 96 hộ dân đã nộp hồ sơ và nộp phí để cấp sổ đỏ từ năm ngoái vẫn chưa thấy sổ đỏ đâu.

Trong 6 năm qua, những mâu thuẫn giữa cư dân The Manor với BITEXCO vẫn chưa có lối thoát. Người dân đã yêu cầu chính quyền xã cho thành lập tổ dân phố để có thể gửi công văn, đơn kiến nghị cho đúng thủ tục. Bên cạnh đó đã nhiều lần đề nghị CĐT họp với dân và bầu ra BQT để bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên nhưng CĐT vẫn phớt lờ.

Cùng với những mâu thuẫn ở The Manor là những mâu thuẫn ở Keangnam. Những căng thẳng giữa cư dân Keangnam với CĐT là Công ty TNHH MTV Keangnam Vina (Công ty Keangnam) không hề giảm kể cả khi UBND TP Hà Nội ban hành đề án giá dịch vụ nhà chung cư và giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn vào cuối tháng 9-2011, thậm chí còn nóng thêm. Thay vì nâng cao chất lượng dịch vụ để cư dân cảm thấy hài lòng và sẵn sàng đóng phí cho Ban quản lý (BQL) thì Keangnam và BQL lại tìm mọi cách để gây bất ổn cho cư dân. Công ty Keangnam và BQL chỉ bố trí 5 nhân viên vệ sinh quét dọn 2 tòa nhà cao 48 tầng với 920 hộ dân (quét dọn 1 lần/ngày). Đồng thời, BQL không cung cấp dịch vụ thu dọn vệ sinh tại nơi thu gom rác thải của từng tầng, trong khi bất kỳ chung cư nào cũng có dịch vụ thiết yếu này.

Những mâu thuẫn tại Keangnam đã phải nhờ đến các cơ quan chức năng, như Sở Xây dựng, vào cuộc nhưng có vẻ như sự yên ắng gần đây chỉ là biểu hiện bề ngoài. Mâu thuẫn giữa cư dân với CĐT ở The Manor, Keangnam vốn đã nóng nhưng có lẽ còn chưa bằng mâu thuẫn ở tòa nhà 93 Lò Đúc. Cuối năm 2011, sau nhiều lần tìm cách giải quyết những mâu thuẫn giữa gần 300 hộ dân với CĐT là Công ty TNHH Khách sạn Kinh đô nhưng bất thành, Ban đại diện lâm thời đã gửi đơn tố cáo công ty này đến các cơ quan chức năng. Các hộ dân ở đây đã chỉ ra 9 vi phạm chính của CĐT tòa nhà 93 Lò Đúc. Thứ nhất là không thành lập BQT chung cư theo Quy chế quản lý nhà chung cư ban hành theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 28-5-2008. Thứ hai là xây dựng, cơi nới không phép trên tầng thứ 27 (nóc chung cư). Thứ ba là vi phạm các quy định trong việc tăng phí quản lý chung cư. Thứ tư là vi phạm các quy định của pháp luật về thu phí trông giữ ô tô, xe máy. Thứ năm là thu tiền nước sinh hoạt vượt quá quy định. Thứ sáu là thu lệ phí trước bạ vượt quá quy định. Thứ bảy là không phát hành hóa đơn tài chính hợp lệ cho các khoản phí thu của cư dân. Thứ tám là phát hành hóa đơn GTGT đối với tiền góp vốn xây dựng mua căn hộ trái với quy định của Bộ Tài chính. Thứ chín là không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Chín vi phạm này có thể coi là những vi phạm điển hình mà hầu hết chung cư mới xây kể cả cao cấp như Golden Westlake cũng như loại "phổ thông" như 93 Lò Đúc đều mắc phải không ít thì nhiều. Rồi đến khi không tìm được hướng giải quyết mâu thuẫn, CĐT đã tìm đến những đòn miếng giang hồ để đe dọa cư dân. "Người ta" tìm cách đưa đầu gấu vào để đe dọa những cư dân đang đòi hỏi sự công bằng theo pháp lý. Khi sự vụ được đưa ra Công an phường Phạm Đình Hổ, Công an phường hứa sẽ sớm làm sáng tỏ sự việc. Ấy vậy mà đến nay mọi việc vẫn án binh bất động. Thậm chí, CĐT còn có những vi phạm cam kết trắng trợn hơn. Có vẻ như những vi phạm của CĐT tại 93 Lò Đúc mang tính hệ thống.

Đến nay, những mâu thuẫn này vẫn chưa có lối thoát. Và cứ thế những mâu thuẫn mới lại tiếp nối những mâu thuẫn cũ. Đến nay, cư dân của các chung cư: The Manor, Keangnam, Sky City, Golden Westlake, 93 Lò Đúc và 101 Láng Hạ vẫn đang sống cùng với sự ức chế trong những căn hộ hàng tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, trong thời gian qua tại một số tòa nhà chung cư trên địa bàn thành phố xảy ra tranh chấp khiếu kiện liên quan đến việc quản lý vận hành nhà chung cư. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp bao gồm cả khách quan và chủ quan. Để công tác quản lý sử dụng vận hành nhà chung cư đi vào nền nếp, góp phần xây dựng nếp sống đô thị văn minh, hiện đại, Sở Xây dựng đã ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 4-1-2013 của UBND thành phố. Hy vọng đây sẽ là "cây gậy" pháp lý để việc quản lý các khu chung cư dần đi vào nền nếp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Còn ít những "hồi kết có hậu"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.