Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Gạc Ma - Phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc

Bảo Nga - Văn Ngọc Thủy| 15/03/2013 07:17

(HNM) - Nhìn trên bản đồ Tổ quốc, địa danh Gạc Ma hiện hữu tại tọa độ 9°43'9

Thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Chính ủy Trung đoàn 83 Công binh, Quân chủng Hải quân đã bước sang tuổi 69, trong ngôi nhà xinh xắn ở số 260 phố Trần Quang Khải, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật mang về từ Trường Sa, nơi ông đã gắn bó suốt 10 năm binh nghiệp (từ 1988 đến 1998). Nhắc đến sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, giọng ông như chùng xuống: "Sự hy sinh của 64 người trong đó có 26 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn công binh là tổn thất lớn đối với lực lượng hải quân và trung đoàn, chúng tôi không bao giờ quên thời khắc đó. Và cũng từ đấy, ngày 14-3 đã trở thành dấu mốc không thể nào quên của trung đoàn và quân chủng".

Các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam



Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Hoàng Hoan cho biết, từ cuối năm 1987, tình hình ở quần đảo Trường Sa thuộc vùng biển Đông nam của Tổ quốc đã trở nên phức tạp, tàu lạ thường xuyên xâm nhập, trinh sát gây căng thẳng cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở khu vực này.

Ngày 24-10-1987, Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam ra lệnh chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho các đơn vị thuộc quần đảo Trường Sa và lệnh cho một số đơn vị, trong đó có Trung đoàn 83 Công binh - Quân chủng Hải quân sẵn sàng đi xây dựng, chi viện đảo. Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trên biển và khu vực quần đảo Trường Sa, ngày 9-1-1988, ta nhận định: Hải quân nước ngoài sẽ tiến hành các hoạt động tranh chấp chủ quyền hải đảo, chiếm một số bãi san hô nổi và chìm khi nước lên, xen kẽ với các đảo của ta. Trong năm 1988, ta triển khai lực lượng bảo đảm phòng thủ tốt.

Thực hiện chủ trương đó, từ tháng 1-1988, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chỉ thị cho Lữ đoàn 125, 146 và Trung đoàn 83 Công binh chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tiến ra các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời thành lập Sở chỉ huy tại bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ông Hoàng Hoan khi đó trực tiếp chỉ huy việc vận chuyển khung ra xây dựng đảo. Từ ngày 26-1-1988 đến ngày 7-3-1988, các chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh đã dựng được 7 khung đảo, trong đó có ba khung dự kiến dành cho các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Căn cứ vào tình hình xung quanh khu vực Trường Sa, Hải quân Việt Nam xác định: Gạc Ma là đảo chìm, diện tích không lớn, nhưng lại có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nếu để đối phương chiếm giữ được hòn đảo này, sẽ khống chế đường tiếp tế của ta đến các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Từ nhận định đó, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm phải đóng giữ tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao... Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề bởi cùng một lúc Hải quân ta phải triển khai lực lượng ở cả ba đảo trong điều kiện phương tiện trang bị của ta, thô sơ, quân số hạn chế.

Sống mãi với Gạc Ma

Thượng tá Hoàng Hoan nhớ lại: Đầu tháng 3-1988, đối phương huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên từ 9 đến 12 tàu chiến. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương lệnh cho vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, Trung đoàn 83 Công binh... chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 cũng được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Hồi 9h ngày 13-3-1988, tàu HQ - 604 do Trung úy Nguyễn Phi Trừ làm Thuyền trưởng chở theo hai khung đảo nhằm hướng đảo Gạc Ma thẳng tiến. Cùng lúc, tàu HQ - 505 do Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy nhận lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía đảo Cô Lin. Phối hợp cùng hai tàu HQ - 604 và HQ - 505 là hai phân đội công binh thuộc Trung đoàn Công binh 83 và 22 người thuộc 4 tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146 do Lữ đoàn phó Trần Đức Thông chỉ huy, cùng 4 chiến sĩ của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng tham mưu). Sau gần một ngày, một đêm hành quân trong điều kiện biển động dữ dội do mưa to, gió lớn, vận tốc trung bình chỉ đạt khoảng 8 hải lý/giờ, đến 21h đêm 13-3, tàu HQ - 604 và tàu HQ - 505 đã tiến sát đảo Gạc Ma và Cô Lin. Sở Chỉ huy điện lệnh: Bộ phận giữ đảo phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, đồng thời lực lượng công binh chuyển vật liệu xây dựng lên đảo. Thực hiện mệnh lệnh, tàu HQ - 604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 bí mật thả xuồng, cấp tập chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma, đồng thời lực lượng của Lữ đoàn 146 nhanh chóng đổ bộ triển khai công tác bảo vệ đảo. Trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Hải quân Việt Nam, đối phương điều thêm tàu trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, tiếp đó, 6h sáng 14-3, chúng thả thuyền nhôm, cho 40 quân đổ bộ lên đảo...

Còn với chiến sĩ công binh Dương Văn Dũng thuộc Trung đoàn 83, người có mặt trên tàu HQ - 604 ngày 14-3-1988, những thời khắc lịch sử đó vẫn in đậm: "Khi đó, hai bên giằng co rất quyết liệt. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Anh Nguyễn Văn Lanh xông lên cắm lại cờ cũng bị đâm và bắn bị thương. Do Hải quân Việt Nam kiên quyết giữ cờ, không rút khỏi đảo, đối phương kéo ra xa và bất ngờ nã pháo liên tiếp vào Gạc Ma và tàu HQ - 604. Tôi chỉ kịp lặn xuống giữa những làn đạn dày đặc, bám vào một thanh gỗ trước khi tàu HQ - 604 chìm hẳn...". Bảo vệ đảo, Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông và hơn 60 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại ở Gạc Ma - địa danh thiêng liêng của Tổ quốc.

Ký ức của những người lính đảo

Lặng người giây lát, Thượng tá Hoàng Hoan nói tiếp: "Nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày ấy nhưng chúng tôi không một ai nao núng, càng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngày 16-3-1988, chỉ 2 ngày sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, Trung đoàn điều tiếp hai khung của Tiểu đoàn 886 và Tiểu đoàn 887 xuống 2 tàu của Quân khu 5 đi xây nhà tại quần đảo Trường Sa nằm ở vùng biển Đông nam của Tổ quốc. Ngày đó, sự thiếu thốn và cả hiểm nguy luôn rình rập hành trình xây dựng đảo của bộ đội công binh nhưng rất nhiều chiến sĩ vẫn hăng hái xung phong lên đường đi giữ đảo, có người đã ra Trường Sa đến 4-5 lần mà vẫn còn xung phong đi nữa".

Không thể kể hết nỗi vất vả, khó khăn của những người lính công binh những ngày xây dựng đảo. Anh Nguyễn Văn Tấn, chiến sĩ của Tiểu đoàn 887 xuống tàu Đại Lãnh vào xây dựng đảo Tốc Tan kể lại: "Việc vận chuyển vật liệu vào đảo ngày đó khó khăn vô cùng, chủ yếu dùng sức người chứ chưa có xuồng máy như bây giờ. Khi tàu dừng cách đảo chừng trăm mét, các chiến sĩ phải bơi vào bờ, dùng hết sức mình cắm xà beng vào giữa đám san hô làm cột thật chắc sau đó buộc dây thừng, kéo thuyền nhôm, xuồng cao su chở vật liệu vào đảo. Tất cả mọi vật liệu xây dựng đảo ngày đó như xi măng, sắt thép đều vận chuyển bằng sức người. Những ngày biển lặng lính đỡ vất vả hơn, biển động thì cực vô cùng".

Anh Lê Văn Mành cùng tiểu đoàn với anh Nguyễn Văn Tấn - người bị teo cơ sau ba tháng ở trên đảo Tốc Tan nhớ nhất là nỗi khổ thèm rau xanh và thiếu nước ngọt. Triền miên những bữa ăn thừa cá nhưng thiếu rau xanh, không có nơi để vận động đã làm cho thân thể bị phù thũng, to kềnh càng nhưng hai chân teo lại như hai cổ tay, tưởng như sắp liệt. Khi vào đất liền điều trị, gần một năm sau anh mới đi lại bình thường được. "Hồi đó nước ngọt chỉ để uống, tất cả các việc khác như gội đầu, tắm rửa đều phải dùng nước biển. Lúc đầu chưa quen, nóng rát lưng, tóc tai cứng ngắc như rễ tre, da dẻ thì đen cháy vì nắng, vì suốt ngày mặc quần xà lỏn. Tóc anh nào cũng mọc dài lởm chởm. Sau sự kiện bi hùng ở đảo Gạc Ma, tàu lạ vẫn tuần tiễu suốt ngày đêm, tàu viện trợ của mình không vào được, anh em càng khổ cực, thiếu thốn trăm bề. Sau ba tháng, có tàu dân sự Sông Thu đi buôn bán ở Hồng Kông qua mới đón được 35 anh em từ đảo Tốc Tan về đảo Trường Sa lớn" - Anh Tấn nhớ lại.

Sự vất vả, thiếu thốn nơi đầu sóng và cả nỗi tiếc thương xen lẫn tự hào mỗi khi nhớ về những đồng đội đã vĩnh viễn hòa mình vào lòng đảo Gạc Ma mãi trở thành những ký ức không thể nào quên trong cuộc đời mỗi người lính đảo. Dù thời chiến hay giữa thời bình, với họ, Trường Sa đã là một phần máu thịt, nơi trái tim họ mãi mãi hướng về...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Gạc Ma - Phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.